Kiến Xương - Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình

Cảnh quan xã Bình Định (Kiến Xương - Thái Bình) đã về đích xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Đặng Hiếu)

Trong 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, điểm sáng nội bật nhất của Kiến Xương có thể kể đến là kết cấu hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp; giao thông thuận lợi; công tác y tế và giáo dục đạt chất lượng tốt; hệ thống nhà văn hoá thôn được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các sự kiện chính trị của thôn… Những yếu tố đó đã tác động tích cực đến sự phát triển tổng thể về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội ở các địa phương trong huyện.

Theo đó, cơ cấu kinh tế của Kiến Xương chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu như năm 2015, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản chiếm 33,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,4%; thương mại - dịch vụ chiếm 23%, thì đến năm 2020, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản giảm, chỉ chiếm 24,1%; công nghiệp - xây dựng tăng mạnh, chiếm 52,1%; thương mại - dịch vụ tăng nhẹ, chiếm 23,8%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người tăng từ 48,76 triệu đồng/người năm 2015 lên 71,64 triệu đồng/người năm 2020…

Từ những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được, với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Huyện uỷ Kiến Xương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch để giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để đảm bảo sự hài lòng của người dân hơn nữa; trong đó đặc biệt chú trọng đến tiêu chí số 7 về môi trường và tiêu chí số 8 về đảm bảo an toàn an ninh, trật tự xã hội.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ 25% trở lên (từ 8 xã trở lên). Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2021, Huyện uỷ Kiến Xương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành phấn đấu có từ 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện được mục tiêu này, Kiến Xương đã xác định cần thực hiện tốt một số nội dung như:

Một là, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi đoàn thể, cơ quan, đơn vị có hoạt động cụ thể để hưởng ứng các phong trào thi đua.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Ba là, tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Tạo cơ chế để các địa phương có nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là cơ chế cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất từ các thửa đất xen kẹp và các khu dân cư tập trung.

Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình OCOP góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bốn là, tiếp tục phân cấp, tạo điều kiện để các cơ sở và người dân chủ động trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Khuyến khích các mô hình người dân tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới ở cơ sở.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình và các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở./.

Phản hồi

Các tin khác