(ĐHXIII) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Nghị quyết của Ban cán sự về việc nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021 – 2025.
Các nguồn vốn nếu được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi và trong giai đoạn 2021 -2025, Việt Nam sẽ có những hạ tầng cơ sở đảm bảo được cho phát triển thủy sản một cách bền vững.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chỉ rõ, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng năm 2020, hoạt động sản xuất, khai thác thủy sản vẫn duy trì được tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, trong đó hải sản khai thác đạt 3,2 tỷ USD.
Bộ NN&PTNT cũng xác định rõ, cần đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản để ngành thủy sản phát triển hiệu quả và bền vững. Hơn nữa, để đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu của ngành, không cách nào khác phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó cần cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU. Cùng với đó tập trung công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá. Thủy sản được xác định là trụ cột tăng trưởng cho ngành nông nghiệp nhưng việc đầu tư còn chưa tương xứng về cơ sở hạ tầng như cảng cá, tàu bè, quy hoạch nuôi trồng chưa tốt, hệ thống ngành thủy sản mỏng và yếu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: Khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.
Có thể thấy, ngành thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực tế, thủy sản Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới trên nền tảng những thành tựu nổi bật của giai đoạn trước cùng những khó khăn còn tồn tại. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nằm trong nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển với mục tiêu sẽ xây dựng, phát triển ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn có năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng theo hướng có trách nhiệm; phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản; đồng thời thu hút nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản với phương thức kết hợp công - tư hiệu quả.
Để thực hiện được những kỳ vọng phát triển trong tương lai, ngành thủy sản cũng cần quan tâm đến chính sách chuyển đổi nghề cá khai thác gần bờ của ngư dân sang phát triển nuôi biển, qua đó vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tự nhiên, vừa phát triển nghề theo hướng bền vững. Song song với đó, cần có chiến lược liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo từ khâu con giống đầu vào, quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nỗ lực thực hiện triệt để cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng EU, vì sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến thủy sản. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS ngày 06/01/2021 về tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động và Quyết định số 214/ QĐ-BNN-TCTS ngày 14/01/2021 về Công bố danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác làm cơ sở để xác minh nguồn gốc thủy sản khai thác hợp pháp theo quy định IUU. Bằng việc tháo gỡ thành công thẻ vàng EC, thủy sản Việt Nam sẽ có thể củng cố và nâng tầm thương hiệu, uy tín hơn nữa trên trường quốc tế, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm nhẹ thủ tục.
Hơn nữa, với các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) cùng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thủy sản Việt Nam có điều kiện củng cố, gia tăng sức mạnh, sức cạnh tranh nhờ sử dụng dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ hơn, mở rộng thị trường cũng như vượt qua một số thách thức về rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại.
Tổng hợp các điều kiện trên, tin tưởng rằng, ngành thủy sản sẽ thực sự đạt mục tiêu như Chiến lược đã đề ra, góp phần hiệu quả vào thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển cũng như kinh tế nông nghiệp của nước ta trong bối cảnh mới/.
Lê Anh