Hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (NQ36) ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những định hướng đúng đắn, mục tiêu cụ thể và các khâu đột phá đã dần đi vào thực tế cuộc sống, mở ra triển vọng về một giai đoạn phát triển mới cho kinh tế biển Việt Nam - hướng ra biển và làm giàu từ biển.
Cũng có thể coi NQ36 như là bản tuyên ngôn cho quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” quan điểm rõ ràng về phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.
Từng bước cụ thể hóa đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để tổ chức và triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW. Các bộ, ngành đã xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thành lập Ban Chỉ đạo và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Liên quan tới kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, số liệu thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nêu rõ, năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018; khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU (tăng 6%).
Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn).
Trong năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, du lịch biển Việt Nam đã chuyển hướng sang khách hàng nội địa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845.000ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97.000ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.900ha.
Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, đã hình thành các dịch vụ xã hội, nhà ở cho chuyên gia, nhà quản lý, người lao động. Tỷ lệ đô thị hóa của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt khoảng 39,49% (cao hơn bình quân cả nước 37,5%).
Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan cũng đang tích cực triển khai các nội dung của Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh đến Ninh Bình); vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa-Bình Thuận); vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh); vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Kiên Giang).
Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 200.500ha. Đến nay, 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển...
6 nhóm giải pháp quan trọng để triển khai Nghị quyết 36 trong 5 năm tới
|
Tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp trong cụ thể hóa NQ 36 về phát triển kinh tế biển. (Ảnh: PV)
|
Để cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Chính phủ đã đề ra 06 nhóm nội dung, giải pháp cụ thể, gồm có: Về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; Về phát triển kinh tế biển, ven biển; Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả và giao một số đề án, dự án, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cụ thể của kế hoạch 5 năm đến năm 2025 và kế hoạch tổng thể đến năm 2030 cho các cơ quan có liên quan chủ trì thực hiện.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Bộ Công Thương quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Bộ Giao thông vận tải quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Bộ Quốc phòng quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.../.
Hằng Liên