ADB: Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu kép trong năm 2021
Tốc độ tăng trưởng dương của Việt Nam trong năm 2020 đạt được là ấn tượng trong khu vực và thế giới (Ảnh tư liệu)

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Là năm bản lề với nhiều sự kiện quan trọng, cộng với tăng trưởng lạc quan từ năm 2020, Việt Nam có nhiều tiền đề để củng cố và duy trì tiếp tốc độ tăng trưởng đó.
Cụ thể, ADB đánh giá, là một trong số những quốc gia hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, trong Báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á, ADB cũng dự báo Việt Nam sẽ đứng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. 
Theo đó, ADB hoàn toàn có cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. 
Phân tích về triển vọng trên, ông Andrew Jeffries, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu cũng tăng 36,4%; cũng trong thời gian này, ngành chế tạo ghi nhận tăng trưởng 12,6%. Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Kết quả là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng trong giai đoạn tháng 1-5/2021, giải ngân vốn FDI cũng tăng 6,7%. Cùng với đó, doanh số bán lẻ đã tăng 7,6%, bất chấp tác động của đại dịch đối với thị trường việc làm.
ADB cũng phân tích, rủi ro đã xuất hiện khi vào tháng 4/2021, đại dịch tái xuất hiện ở Việt Nam. Đợt bùng phát thứ tư đang diễn ra hiện tại không chỉ gây ảnh hưởng đến các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ảnh hưởng đến các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đây vốn là những điểm tập trung hoạt động sản xuất của nhiều thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử. Do đó, nếu lực lượng lao động trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng, lĩnh vực sản xuất - một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế - chắc chắn sẽ bị cản trở. Ngoài ra, các kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam, nếu bị trì hoãn, cũng sẽ ngay lập tức tác động đến đà phục hồi kinh tế.
Cũng theo Giám đốc Andrew Jeffries, đại dịch COVID-19 đang làm biến đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển công nghệ mới và nắn chỉnh lại dòng đầu tư. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy sự hội nhập của khu vực tư nhân trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, tăng trưởng kinh tế hàng năm cần được duy trì ở mức trên 7%. Điều kiện tiên quyết để đạt được điều này là khu vực tư nhân phải hoạt động một cách năng động và cạnh tranh trong cả hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Quan trọng hơn cả là vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trưởng thành, từ đó, xây dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai kinh tế do khu vực tư nhân dẫn đầu. Để làm được điều này, cần thiết phải đáp ứng các các điều kiện như: khả năng tiếp cận nguồn tài chính, đất đai, công nghệ, việc tăng cường kỹ năng quản trị doanh nghiệp và hợp lý hóa các thủ tục kinh doanh.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là một ưu tiên quan trọng trong thời gian tới. Sự xuất hiện của đại dịch đã nhấn mạnh vai trò của quá trình số hóa nền kinh tế, để từ đó tăng cường khả năng phục hồi, khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả. Tôi cho rằng việc Chính phủ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi này.
Ngoài ra, thương mại điện tử cũng đã nổi lên nhanh chóng. Ngành ngân hàng đã mở rộng các dịch vụ điện tử trong năm qua với nhiều hình thức thanh toán di động đã được thí điểm nhằm hướng đến mục tiêu số hóa ngành ngân hàng và tăng cường các giải pháp tài chính toàn diện.
Đại dịch đã làm tăng tốc quá trình chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số đang diễn ra trên toàn cầu, đồng thời chứng minh vai trò quan trọng của công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phúc lợi xã hội.
Tại Việt Nam, đại dịch tạo ra động lực phát triển các phương tiện kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân liên quan đến các dịch vụ xã hội cơ bản, cũng như các hình thức dịch vụ mới không yêu cầu tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như mua sắm trực tuyến hoặc thanh toán qua ngân hàng di động hoặc ví điện tử.
Thực tế, nhiều cơ quan và đơn vị đã được thành lập để xử lý quá trình chuyển đổi này. Trong khi đó, các công ty sử dụng lao động dường như nhận thức được sự thay đổi nên đã bắt đầu đào tạo lại nhân viên. Có thể nói, nếu triệt để tận dụng cơ hội do xu hướng trên mang lại, tin rằng, Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế số trong tương lai.
Triển vọng tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam có liên quan mật thiết đến khả năng kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Việc Việt Nam ngăn chặn thành công đại dịch là yếu tố quyết định kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020, bất chấp việc nhiều quốc gia khác đã chứng kiến suy giảm kinh tế vào năm ngoái. Trong bối cảnh đó, rủi ro tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn do các hạn chế liên quan đến sự tái bùng phát của đại dịch, nếu được kiểm soát tốt, sẽ cho phép hoạt động kinh tế trở lại bình thường sớm hơn.
“Làn sóng lây nhiễm hiện tại của đại dịch COVID-19 với các biến thể mới đã được chính phủ Việt Nam xử lý một cách hiệu quả và cho đến nay gần như đã được kiểm soát. Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu kép là vừa ngăn chặn đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế vào năm 2021” - Giám đốc ADB chia sẻ.
Tuy nhiên, ADB cũng kiến nghị, các đợt bùng phát bất thường của đại dịch có thể sẽ tiếp tục xảy ra và sẽ gây ảnh hưởng đến một phần lực lượng lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp với mật độ tập trung lớn. Trong khi đó, các biện pháp ngăn chặn dù hiệu quả sẽ không thể loại bỏ được những yếu tố không chắc chắn. Vì thế, “chìa khoá” duy nhất giúp đẩy lùi đại dịch và đảm bảo sự an toàn dài hạn cho người dân cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế là đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19./.

 

Phản hồi

Các tin khác