|
Trận chiến đấu của Đại đội 5, BĐBP An Giang trong chiến tranh biên giới Tây Nam. (Ảnh tư liệu)
|
Anh hùng trong thời chiến
Tháng 8/1962, Tỉnh uỷ An Giang quyết định thành lập Ban An ninh tại ấp Ô Cạn (cạnh núi Nhỏ) xã Ba Chúc, huyện Bảy Núi (nay là huyện Tri Tôn). Năm 1963, Tỉnh ủy An Giang lại quyết định thành lập lực lượng An ninh vũ trang và Trinh sát vũ trang tỉnh An Giang. Đó là những tổ chức tiền thân của BĐBP An Giang ngày nay.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, bảo vệ khu căn cứ kháng chiến của Tỉnh uỷ An Giang, lực lượng Trinh sát vũ trang, An ninh vũ trang An Giang còn tham gia diệt ác, phá kiềm, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng giải phóng và tham gia các chiến dịch lớn như: Mậu Thân 1968, giành dân lấn đất năm 1971-1972 và cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 20/10/1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang ra quyết định thành lập Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang tỉnh với 11 chi bộ trực thuộc. Những ngày đầu mới thành lập, Công an nhân dân vũ trang tỉnh An Giang vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất trang bị còn nhiều thiếu thốn. Doanh trại chủ yếu dựa vào cơ sở vật chất cũ và một số cất mới bằng tre, lá; công sự, chiến hào đắp đất, mùa nước bị ngập, đi lại chủ yếu bằng xuồng, thông tin liên lạc đa số bằng thư tay. Trong khi đó, tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng, nguy cơ chiến tranh đang ngày một đến gần. Trên tinh thần tự lực, tự cường, Công an nhân dân vũ trang tỉnh An Giang từng bước củng cố, xây dựng ngày càng hoàn thiện.
Các Đồn biên phòng đều được bố trí ở những nơi, những vị trí xung yếu nhất, có thể lợi dụng được địa hình, địa vật, tạo dựng trận địa phòng thủ và tấn công địch; đồng thời bảo đảm thực hiện được chức năng quản lý, kiểm soát biên giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống các Đồn Biên phòng đã xây dựng tương đối cơ bản, bước đầu triển khai được các biện pháp nghiệp vụ công tác Biên phòng.
|
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang tuần tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh từ tuyến đầu biên giới (Ảnh Thành Nam).
|
Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer đỏ, Công an nhân dân vũ trang tỉnh An Giang là lực lượng nổ phát súng đầu tiên báo động cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam bắt đầu. Trải qua hơn 1.300 ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu biên giới, Công an nhân dân vũ trang tỉnh An Giang (nay là lực lượng BĐBP An Giang) đã độc lập chiến đấu 986 trận lớn nhỏ, phối hợp với các lực lượng chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hơn 1.000 tên địch, bắt sống tại chỗ 09 tên và bắn bị thương hàng trăm tên khác, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến đấu, góp phần cùng với toàn quân và toàn dân An Giang bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tiêu biểu như trận đánh của Đồn Biên phòng Vĩnh Lạc tại khu vực Mõm Đá Bia (Vồ Đá Bia, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) ngày 17/6/1978. Khoảng 0 giờ ngày 17/6, địch trinh sát bằng hoả lực vừa thăm dò lực lượng ta, vừa nhanh chóng chiếm địa hình đào công sự. Trên cơ sở đó, ta đã thống nhất phương án khá tỉ mỉ và khẩn trương tổ chức triển khai lực lượng, gần 60 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Lạc, 25 dân quân xã Lương Phi phối hợp cùng Lữ đoàn đặc nhiệm 305 Bộ tổng Tham mưu tiến công, diệt gần 100 tên của Trung đoàn 315 địch. Với thành tích ấy, Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Bản lĩnh trong thời bình
Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, các hoạt động của BĐBP An Giang bước vào giai đoạn mới, với những bước chuyển biến mới, toàn diện trên tất cả các mặt công tác. Đơn vị đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhiều chủ trương, biện pháp trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” trong thế trận “Quốc phòng toàn dân”, gắn với thế trận “An ninh nhân dân” vững chắc; tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã biên giới và tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng; xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt.
|
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An giang giúp dân làm cầu nông thôn mới.(Ảnh: Chiến Khu).
|
Trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP An Giang đã quán triệt, nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vận dụng đúng đắn, linh hoạt các chủ trương đối sách, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; đồng thời củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị với Campuchia. BĐBP An Giang đã vận dụng linh hoạt sắc bén các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, góp phần giữ gìn ổn định chung của địa phương. Tiêu biểu trong công tác phòng chống ma tuý và tội phạm, đơn vị đã bắt giữ 48 vụ ma túy, thu giữ gần 03 kg Hêroin, 70,41 kg ma túy đá, 13.231 viên ma túy tổng hợp, 147,3 kg cần sa khô và nhiều tang vật có liên quan.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, trong nước diễn biến hết sức phức tạp, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang vẫn căng mình, khắc phục khó khăn, gian khổ, hi sinh niềm vui, hạnh phúc riêng tư để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Đơn vị liên tục tăng cường lực lượng, phương tiện, vật chất, thành lập 202 chốt phòng, chống dịch COVID-19, góp phần hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” vừa quản lý, bảo vệ biên giới gắn với phòng, chống dịch COVID-19.
Ghi nhận những thành tích đáng tự hào của BĐBP tỉnh An Giang, Đảng, Nhà nước tuyên dương, trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho tập thể và các cá nhân. Đặc biệt, BĐBP An Giang vinh dự được Đảng Nhà nước trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương chiến công hạng Nhất và 01 huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
Đạt được những chiến công, thành tích đó, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh An Giang, sự phối hợp hiệp đồng, tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể, sự yêu thương đùm bọc của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang nói chung, nhân dân khu vực biên giới nói riêng. Thành tích đó là sự vun đắp bằng trí tuệ, công sức và xương máu và một phần cơ thể bỏ lại nơi chiến trường của bao lớp cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang (trước đây là Công an nhân dân vũ trang An Giang) qua các thời kỳ. Đó còn là công lao to lớn của những người mẹ, người chị, người vợ, người con nơi hậu phương đã kiên trì âm thầm chịu đựng khó khăn, vất vả lo toan mọi bề để người chiến sĩ biên phòng vững vàng tay súng nơi biên giới tiền tiêu của Tổ quốc.
Để giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ; giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang hôm nay, luôn vững vàng ý chí, kiên định mục tiêu lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, huấn luyện đạt kết quả cao nhất; nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của BĐBP An Giang mà các thế hệ cha, anh đã dày công vun đắp./.
Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang