(ĐHXIII) - Mô hình trồng hoa cảnh gắn với du lịch sinh thái ở làng nghề hoa cảnh Phó Thọ - Bà Bộ là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho các hộ dân trên địa bàn và là mô hình đặc trưng của quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ).
Trước đây, nông dân quận Bình Thuỷ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính; tuy nhiên, diện tích trồng lúa đang dần bị thu hẹp nên đời sống gặp không ít khó khăn. Từ thực trạng đó, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có chất lượng và giá trị cao, từng bước hình thành tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị theo định hướng “vành đai xanh” của thành phố. Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quận Bình Thủy tập trung phát triển theo cơ cấu công nghiệp - thương mại - dịch vụ và nông nghiệp đô thị. Trong đó, quận sẽ chú trọng đầu tư hợp lý đối với từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là chọn phát triển cây ăn trái, rau an toàn, hoa cảnh gắn với phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch sinh thái làm khâu đột phá.
Làng nghề hoa cảnh Phó Thọ - Bà Bộ được công nhận từ năm 2011 có diện tích trên 40ha với 217 hộ trồng hoa cảnh, trải dài trên địa bàn 2 phường của quận là Long Hòa và Long Tuyền (Long Hòa 90 hộ, Long Tuyền 127 hộ, gồm 2 hợp tác xã hoa cảnh (Bình An và Phó Thọ) với các hoạt động chính như cấy mô, tạo giống hoa, trồng và chăm sóc, tiêu thụ hoa. Mô hình trồng hoa cảnh ở làng nghề hoa cảnh Phó Thọ - Bà Bộ là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho các hộ dân trên địa bàn, phát triển du lịch và là mô hình đặc trưng của quận Bình Thủy nói chung và của phường Long Hòa và phường Long Tuyền nói riêng. Tuy nhiên, nguồn lực có hạn nên việc mở rộng quy mô sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ, từ đó hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Nhận thấy được tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của các hộ trồng hoa cảnh ở làng nghề hoa cảnh Phó Thọ - Bà Bộ, tháng 5/2019, Hội Nông dân các cấp đã tạo điều kiện cho 13 hộ trồng hoa cảnh là thành viên của Hợp tác xã và tổ hợp tác hoa cảnh Bình An tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố với số tiền 500 triệu đồng với mức phí ưu đãi. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tác động tích cực đến hoạt động của Hợp tác xã hoa cảnh Bình An, như: Hộ dân được vay vốn với với số tiền bình quân 40 triệu đồng/hộ, mức phí 0,7%/tháng để đầu tư sản xuất, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp đối với hội viên, từ đó đã thu hút được 38 hội viên đăng ký tham gia vào Hội cũng như hợp tác xã và tổ hợp tác hoa cảnh Bình An. Hàng năm, Hợp tác xã hoa cảnh Bình An cung cấp ra thị trường trên 450.000 giỏ hoa, chậu cảnh các loại với trên 20 chủng loại hoa khác nhau, phục vụ ngày Tết và các ngày Rằm, lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, làng nghề hoa cảnh Phó Thọ - Bà Bộ còn tiếp đón hàng nghìn lượt người tham quan và chụp ảnh lưu niệm, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của thành phố Cần Thơ.
Sau hơn 1 năm sử dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, tổng diện tích của hợp tác xã tăng từ 10ha lên 14ha; thành viên tăng từ 11 lên 19 thành viên và đã phát triển thêm một tổ hợp tác trồng hoa cảnh với 7 thành viên, diện tích 6ha; lợi nhuận bình quân mỗi hộ đạt khoảng 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, mỗi năm mô hình trồng hoa cảnh còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 35 lao động nhàn rỗi tại địa phương, đồng thời vận động các mạnh thường quân (nhất là các thành viên hợp tác xã) hỗ trợ sửa chữa tuyến đường từ Khu dân cư Bình Nhựt đến rạch bà Lý với chiều ngang 2m, chiều dài khoảng 80m với tổng kinh phí vận động xã hội hóa gần 18 triệu đồng và 35 ngày công; đóng góp vào chỉ tiêu vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân và mái ấm nông dân đạt khoảng 9 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ việc sử dụng nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đã góp phần lan tỏa và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn quận.
Để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương chính sách đúng đắn, đặc biệt là chủ trương về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam. Thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, những người nông dân có thêm vốn để đầu tư sản xuất, mở rộng mô hình, cũng như có thêm điều kiện để liên kết với các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời tiếp cận và những tiến bộ kỹ thuật trong trồng hoa cảnh cho năng suất cao, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, tạo được nhiều việc làm mới cho người lao động, góp phần làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững trong hội viên nông dân.
Thời gian tới, để tiếp tục việc xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn, quận Bình Thủy xác định sẽ tiếp tục quan tâm, kết nối, tìm kiếm các thương lái uy tín để liên kết với nông dân trong tiêu thụ hoa cảnh. Hội Nông dân sẽ vận động các hộ trồng hoa mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà lưới, giống hoa mới, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và tạo thành điểm nhấn thu hút du lịch; xây dựng nền sản xuất theo chuỗi giá trị gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để góp phần ổn định đầu vào, đầu ra với quy trình sản xuất hiện đại…
Đ.H