Huy động, thu hút nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Khơi dậy tinh thần thi đua hăng say lao động cho nông dân (Ảnh:PV)

Phong trào cũng đã lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội, đồng thời đoàn kết, hỗ trợ tư vấn, chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật… giúp nhau cùng làm giàu, giúp đỡ các hộ còn khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Về triển khai phong trào, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW ngày 04/7/2016 về đổi mới nâng cao chất lượng Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Các cấp Hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện. Hàng năm, số lượng đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hơn 6,2 triệu hộ, chiếm 41,3% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Qua bình xét, mỗi năm có hơn 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 57,2 % số hộ đăng ký (trong đó cấp trung ương, cấp tỉnh chiếm 6%, cấp huyện chiếm 21%; cấp cơ sở chiếm 73%). Trên 2.200.000 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 27.000 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Trong đó có 1.980 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh có thu nhập từ 2 tỷ đồng trở lên.

Các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, “dồn điền, đổi thửa” tạo vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Phong trào đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh và phát triển. Phong trào cũng đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp...

Xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương (Ảnh: PV)

Xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương (Ảnh: PV)

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao; hàng ngàn gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi; những tấm gương tiêu biểu xuất sắc của tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm và nghĩa tình, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Tiêu biểu như: Hộ gia đình ông Nguyễn Lợi Đức tỉnh An Giang với mô hình sản xuất lúa giống và nuôi bò sinh sản áp dụng theo hướng công nghệ cao thu nhập trên 15 tỷ đồng mỗi năm; Hộ ông Nguyễn Hữu Trí, tỉnh Lâm Đồng trồng hoa ly trên giá thể với quy mô 4 ha, thu nhập 13,8 tỷ đồng/năm; Ông Lê Quang Toàn tỉnh Khánh Hòa với mô hình trang trại tổng hợp, lợi nhuận hàng năm trên 8 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động và 250 lao động thời vụ, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 97 hộ, giúp đỡ 01 hộ thoát nghèo và hàng trăm triệu đồng cho các hộ khó khăn; Ông Phan Văn Thà ở Tây Ninh với mô hình trồng cây ăn trái lợi nhuận 6,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên và 60 lao động thời vụ, đóng góp công tác từ thiện, xã hội và xây dựng nông thôn mới trên 1,3 tỷ đồng; Ông Bùi Thanh Ninh ở Bình Định có 16 tàu đánh bắt hải sản xa bờ với tổng công suất 7.500CV đã tạo việc làm cho 140 lao động, giúp đỡ 20 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vận động ngư dân tham gia Tổ đoàn kết trên biển, tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong khai thác, đánh bắt, cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm ngư trường, phối hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Cánh đồng mẫu lớn trồng mía ở Gia Lai; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gạo ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu…

Những tấm gương nông dân trong phong trào vượt khó vươn lên làm kinh tế bền vững bằng chính sức lao động của mình, tuy thu nhập chưa cao như các chủ trang trại, nhưng họ là đại diện cho ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, không cam chịu nghèo khổ, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước với thu nhâp bình quân đạt từ 400 - 800 triệu đồng/năm, như:  Ông Giàng Quảng Hà, dân tộc Mông ở Bắc Quang, Hà Giang; Ông Thèn Văn Nam, dân tộc La Chí ở Tuyên Quang; Ông Cút Văn Cháu dân tộc Khơ Mú ở Mường Lát, Thanh Hóa.

Những tấm gương nông dân say mê, miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, có nhiều sáng kiến, sáng chế về lai tạo giống cây, con; chế tạo máy nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm giá thành, chi phí, tiết kiệm thời gian và công - sức lao động cho người nông dân, như: Ông Nguyễn Văn Cường ở Long An đã cải tiến, chế tạo ra thiết bị rửa và xử lý trái thanh Long sau khi thu hoạch; Ông Trương Văn Thủy ở Bắc Kạn thiết kế mô phỏng máy dong (máy ria) theo công nghệ Hàn Quốc; Ông Nguyễn Văn Chế ở Hải Dương nghiên cứu, cải tiến, chế tạo Máy công tác bừa lăn giúp năng suất bừa của máy làm đất tăng gấp 02 lần so với công suất ban đầu của máy làm đất.

Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động với hàm lượng khoa học công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 3,92 lần từ mức 9,15 triệu năm 2008 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm, đến nay chỉ còn khoảng 4,5%).

Đáng chú ý, hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng. Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp hơn 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có; đóng góp xây dựng hàng chục ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 01 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất./.

Phản hồi

Các tin khác