(ĐHXIII) - Thực hiện phong trào “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh”, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Song song với đó là tổ chức phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia”. Tích cực hưởng ứng Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Ngày hội “Quốc phòng toàn dân”, Ngày hội “Biên phòng toàn dân”. Xây dựng và tổ chức các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã phối hợp thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc phụng dưỡng 2.274 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách với số tiền 57,21 tỷ đồng; động viên con, em nông dân thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ. Xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở cơ sở như “Ba an toàn”, “Ấp 4 không”,“Tự quản an ninh trật tự”, “Xứ họ đạo bình yên”,“Tiếng kẻng phòng gian”, “An toàn giao thông”,“Cổng nhân dân tự quản”, “Tổ nông dân tự quản, tự phòng”. Ở những vùng biên giới, hải đảo, Hội đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, biển, đảo, xây dựng “Điểm sáng vùng biên”, “Con đường tuần tra biên giới”,“Tổ an ninh tự quản”, chống di cư trái phép. Vận động ngư dân tích cực bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tổ chức được 25.124 cuộc tuần tra biên giới; xây dựng 1.587 tổ nông dân tự quản đường biên, cột mốc; cung cấp 34.050 nguồn tin có giá trị cho các đồn biên phòng, tố giác 3.937 đối tượng phạm tội. Nhiều hội viên ngư dân không sợ hiểm nguy, kiên cường ra khơi, bám biển đánh bắt thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Họ chính là những cột mốc sống nơi biên cương, hải đảo.
|
Chiến sỹ Công an nhân dân giúp nông dân thu hoạch lúa chạy bão. (Ảnh: PV)
|
Các cấp Hội còn phối hợp với lực lượng Công an phát động Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Vận động hội viên, nông dân tham gia phát hiện, tố giác được 25.350 vụ vi phạm pháp luật; cung cấp cho cơ quan Công an, chính quyền địa phương 390.750 nguồn tin có giá trị, phát hiện 620 đối tượng có lệnh truy nã, vận động 3.650 đối tượng phạm tội ra tự thú; cảm hoá, giúp đỡ 650.000 người lầm lỗi hoàn lương. Tổ chức ký cam kết gia đình hội viên không có người vi phạm pháp luật; tham gia hòa giải 480.000 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; xây dựng được trên 200 mô hình tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở nông thôn... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Thông qua các phong trào thi đua trong hội viên, nông dân nhiều khu dân cư ở nông thôn đã tăng cường đoàn kết, tinh thần tự quản để thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy nội lực, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí; thực hiện nếp sống văn hóa mới, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào ở vùng bị thiên tai; xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang sạch, đẹp; điều kiện ăn ở, vệ sinh môi trường, đi lại, học hành, khám chữa bệnh ở nông thôn từng bước được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt.
Kết quả nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Phong trào đã xuất hiện những gương điển hình như: Ông Hù Văn Đơm dân tộc Cống ở Mường Nhé, Điện Biên; Ông YMYÊT ở Gia Lai…
Với chiến lược an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta triển khai xuyên suốt trong thời gian qua, việc huy động giai cấp nông dân được xem là một giải pháp hữu hiệu đảm bảo cho hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Lê Anh