Khu công nghiệp Tiền Hải.
Đẩy mạnh những động lực trọng điểm
Chia sẻ về những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, việc tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong đó, xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện cả về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển. Trước mắt, tập trung giải phóng mặt bằng và hoàn thành xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp có quy mô lớn trong Khu kinh tế (như Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Hải Long...) ngay trong năm 2021 để kịp thời đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Đồng thời ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển Khu kinh tế. Chú trọng xây dựng hệ thống đường trục kết nối với các trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, uy tín, thương hiệu vào đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; ưu tiên thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thân thiện với môi trường, không thâm dụng đất đai. Chú trọng phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao và các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển có giá trị gia tăng lớn gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và chủ quyền, an ninh biên giới biển.
Song hành với đó, Tỉnh ủy Thái Bình xác định một trọng điểm quan trọng khác là tiếp tục đẩy nhanh chương trình phát triển đô thị. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch đô thị trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện. Nâng cao năng lực quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, nhất là ở khu vực thành phố Thái Bình và các đô thị. Tập trung xây dựng thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I và xây dựng một số đô thị loại IV, loại V, đô thị phục vụ Khu Kinh tế Thái Bình theo hướng phát triển đô thị xanh, hiện đại. Chú trọng quy hoạch và xây dựng không gian đô thị hai bên bờ sông Trà Lý theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế cảnh quan. Đẩy nhanh thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại thành phố Thái Bình và các thị trấn; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, Khu kinh tế.
Đẩy mạnh xã hội hội hóa nguồn lực
Trên những cánh đồng lúa bội thu của Thái Bình.
Một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh Thái Bình được xác định là đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; hợp tác phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước.
Trong đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư ở tất cả các lĩnh vực, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế (nhất là kinh tế tư nhân) tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
“Tỉnh ủy rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, bảo đảm đủ sức hấp dẫn và phù hợp với quy định của pháp luật theo cơ chế thị trường và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Có chương trình cụ thể để thu hút các nhà đầu tư lớn, các doanh nhân thành đạt, con em quê hương Thái Bình về đầu tư tại tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải chia sẻ.
Cùng với đó là huy động tối đa nguồn thu trên bản, bảo đảm thu dùng, thu đủ, đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu; phân bố hợp lý nguồn thu ngân sách nội địa phù hợp với khả năng thu. Tăng cường kiểm soát chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác phục vụ nhu cầu đầu tư trong tỉnh, trong đó tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm.
Đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong Vùng và các trục giao thông huyết mạch trong tỉnh. Quan tâm đầu tư hạ tầng thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, phòng chống lụt, bão và ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo, y tế và các công trình công cộng; xây dựng, nâng cấp hệ thống điện, thông tin, viễn thông và kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.
Mặt khác là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, mang tính động lực liên vùng, có tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh, như: Tuyến đường bộ ven biển, đường từ thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn, đường 221A, đường 223, đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành và một số tuyến đường giao thông quan trọng khác; quan tâm phát triển giao thông thuỷ nội địa, khai thác tốt lợi thế các cửa sông lớn để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế, cảng biển Diêm Điền, cảng Ba Lạt... tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh.
Ngoài ra, Tỉnh ủy xác định tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn trên cơ sở phát triển hạ tầng giao thông kết nối gắn với hình thành các hành lang phát triển kinh tế theo các tuyến đường giao thông liên vùng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Bài, ảnh: Thế Dương