(ĐHXIII) - Thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Theo đó, nông dân tham gia tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tích cực hiến đất, hiến công, đóng góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, bảo vệ tôn tạo cảnh quan, môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các cấp Hội cũng đã vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều hộ gia đình nông dân đã đăng ký nhận xây dựng “Vườn mẫu”, “Nhà mẫu”. Trong 5 năm (2016 - 2020) nông dân đã đóng góp trên 17 nghìn tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công, hiến trên 37 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 480 nghìn km kênh mương nội đồng và 1.570 nghìn km đường giao thông nông thôn, xóa 29.411 nhà tạm. Một số địa phương đăng ký trực tiếp thực hiện một số tiêu chí cụ thể hoặc tham gia xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hằng năm,Trung ương Hội và các cấp Hội tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đã xây dựng được 23.118 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn như “chi hội 3 không”, “Nhà sạch, vườn sạch, đường, sông không rác”, “Nông dân, ngư dân chung tay bảo vệ môi trường biển”. Tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với mô hình “Vườn cây nông dân”, “Hàng cây nông dân”, hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Tháng hành động về môi trường, Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.
|
Những con đường nông thôn mới - đường hoa - góp phần làm cảnh quan nông thôn ngày càng đẹp hơn.
(Ảnh: PV)
|
Hưởng ứng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài nâng cao dân trí; phòng, chống các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều cuộc thi như: “Liên hoan tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”; Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi”, các giải Cầu lông, giải Bóng chuyền, Bóng đá nông dân gắn với danh hiệu “bông lúa vàng”, cuộc thi “Nhà nông với pháp luật”, xây dựng các câu lạc bộ, mô hình “Gia đình nông dân văn hoá”, ”Gia đình nông dân hạnh phúc”... tạo sân chơi bổ ích, thu hút được đông đảo nông dân tham gia, mở ra sự giao lưu rộng rãi giữa các vùng, miền, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống đoàn kết của dân tộc. Hằng năm, các cấp Hội vận động trên 9,8 triệu hộ nông dân đăng ký, trong đó có 9,1 triệu hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hàng triệu hộ gia đình nông dân đăng ký cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn; trên 9 triệu hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm y tế và 40.000 nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp Hội đã phối hợp xây dựng hơn 500 phóng sự, gần 2.000 tin bài để quảng bá hàng hóa, nông sản Việt Nam...Tổ chức trên 350.000 buổi tuyên truyền, vận động 18 triệu lượt nông dân tiêu thụ hàng Việt Nam. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức Hội chợ, Festival để giới thiệu, quảng bá hàng hóa, sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp sản xuất trong nước với trên 4.800 gian hàng.
Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình như: Ông Nguyễn Xuân Đình ở Kim Động, Hưng Yên ủng hộ hơn 2 tỷ đồng và vận động các con ủng hộ hơn 3 tỷ đồng; Ông Ngô Văn Chọn ở Sóc Trăng hiến 2.000 m2 đất trị giá 02 tỷ đồng; Nông dân Nguyễn Ngọc Huệ ở Vĩnh Long hiến trên 10.000 m2 đất để làm trường học; Ở Vĩnh Phúc, cán bộ hội viên nông dân làng Thụ Ích, xã Liên Châu, đóng góp 15 tỷ đồng; làng Yên Thư, xã Yên Phương đóng góp 7,3 tỷ đồng; làng Đinh Xá, xã Nguyện Đức đóng góp 6,6 tỷ đồng; Ông Nguyễn Duy Nho ở Tân Sơn, Phú Thọ đóng góp 400 triệu đồng; Ông Huỳnh Thanh Bình ở Cần Thơ hiến đất trị giá 360 triệu đồng; Ông Nguyễn Văn Tiến ở Lào Cai hiến 1.360m2 đất và 100 ngày công lao động .../.
Hà Anh