(ĐHXIII) - Phát huy thành tựu phát triển văn hóa – xã hội của nhiều thế hệ, những năm qua, các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao và phát triển con người của tỉnh Thái Bình liên tục đạt những bước chuyển biến tích cực. Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là một trong những nhiệm vụ chủ yếu.
Công nhân nhà máy may tại khu công nghiệp Tiền Hải.
Nguồn lực thực chất, bền vững
Thông tin với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, trong những năm tới đây với tầm nhìn sâu, rộng, Thái Bình sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Trong đó, thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xây dựng lộ trình thực hiện Luật Giáo dục. Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục gắn với đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, phát huy tính sáng tạo và ý thức tự chủ của cá nhân người học; xây dựng văn hoá học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và thể chất cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ giáo viên có cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo chuẩn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đa dụng hoá các loại hình đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời.
Tỉnh sẽ thực hiện tốt hơn phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghề, đầu tư thích đáng cho đào tạo nhân lực chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với đó, Tỉnh ủy cũng sẽ chú trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Chú trọng chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và phát triển con người, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ năng lượng mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số của tỉnh.
Tăng cường đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân. Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực trọng điểm của tỉnh. Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển các tổ chức, doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn những sản phẩm, công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Nâng cao tầm vóc con người
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình thăm cánh đồng lúa ở địa phương.
Song hành với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin và truyền thông báo chí góp phần nâng cao trình độ dân trí, cải thiện sức khỏe, tầm vóc con người. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống, cách mạng. Thái Bình sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát Chèo (đồng bằng sông Hồng) là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mặt khác, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng; chú trọng đầu tư cho thể thao thành tích cao, tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động văn hoá, báo chí, xuất bản, thực hiện tốt Quy hoạch báo chí trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình, bảo đảm nhanh, kịp thời, chính xác, phong phú, đa dạng và hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng... Đặc biệt là đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi lợi dụng báo chí truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh; xử lý nghiêm minh các vi phạm. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông; tích cực huy động mọi nguồn lực để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá, xây dựng đô thị thông minh, phấn đấu phổ cập mạng di động 5G và phổ cập cáp quang đến hộ gia đình vào năm 2025.
Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó phải chú trọng công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm. Phát triển và nâng cao năng lực của hệ thống khám, chữa bệnh đồng bộ các tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tăng cường quản lý các hoạt động y, dược; xử lý nghiêm các vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển mạng lưới tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục khám, chữa bệnh; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức; chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế. Tăng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực y tế. Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân số, công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; duy trì mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số.
Một điểm nhấn quan trọng khác là thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh. Chú trọng làm tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tập trung phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu, giao dịch việc làm. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động và an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.
Bài, ảnh: Thế Dương