(ĐHXIII) - Là địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh Bạc Liêu song trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Phước Long đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, nỗ lực phát triển mạng lưới trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học... Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của các cấp học, góp phần nâng cao trình độ dân trí; đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Theo đó, hàng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phước Long đã tích cực quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của Ngành. Hiện toàn huyện có 41 cơ sở giáo dục. Trong đó có 15 trường mẫu giáo, mầm non (20 điểm lẻ và 1 trường tư thục), cấp tiểu học có 18 trường với 21 điểm lẻ; cấp THCS có 8 trường với 4 điểm lẻ). Các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn đã đẩy mạnh thi đua, hướng vào nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Do vậy, năng lực sư phạm đội ngũ giáo viên từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Được biết, trong năm học mới này, toàn huyện Phước Long đã huy động 21.393 học sinh các cấp ra lớp. Cụ thể: cấp mầm non có 123 nhóm, lớp với 3.542 trẻ, trong đó có 1.828 trẻ 5 tuổi với 65 lớp; cấp tiểu học có 343 lớp với 10.963 học sinh, trong đó có 2.094 em vào lớp 1 với 65 lớp; cấp THCS có 176 lớp với 6.888 học sinh, trong đó có 2.023 học sinh lớp 6 với 50 lớp.
|
Tuyên truyền Phòng chống ma túy và Luật giao thông đường bộ tại Trường THCS thị trấn Phước Long. (Ảnh: Thành Long).
|
Tìm hiểu được biết, nét nổi bật trong đẩy mạnh phong trào thi đua ở của Ngành Giáo dục huyện Phước Long đó là địa phương đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng trường, lớp học, nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, tạo môi trường dạy học thân thiện, phù hợp yêu cầu đổi mới. Tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy học; thiết bị văn phòng, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục cho các cấp học, bậc học; từng bước hoàn thiện các yêu cầu của thư viện trường học, phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Anh Lê Đức Thanh, một phụ huynh có con đang học tại Trường THCS thị trấn Phước Long cho biết, so với các năm trước, năm học này hệ thống cơ sở vật chất của Nhà trường đã được bảo đảm tốt hơn; công tác chuẩn bị mọi mặt cho hoạt động dạy và học cũng được nâng lên một bước; mọi phụ huynh đều tin tưởng, yên tâm vào công tác giáo dục của Nhà trường.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Long, với mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, để chuẩn bị cho năm học mới 2020 – 2021, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã được bảo đảm kinh phí đầu tư, mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất gần 50 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp giáo dục 4,5 tỷ đồng, Sở GD-KH&CN đầu tư 10,8 tỷ đồng. Cụ thể là mua sắm thiết bị thực hành thí nghiệm 1,5 tỷ đồng; xây dựng nhà vệ sinh, hàng rào và 30 phòng học, 9 phòng chức năng cho các trường 32,8 tỷ đồng; đầu tư hệ thống lọc nước 2,8 tỷ đồng; đầu tư 2 phòng học ngoại ngữ và 11 phòng tin học 12,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường còn tổ chức vận động xã hội hóa 1,7 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất, bàn ghế…
Trong thời gian tới, huyện Phước Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thi đua, trọng tâm là thi đua bổ sung các điều kiện cần thiết theo tiêu chí mới về trường đạt chuẩn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách giáo dục, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục; tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học.
Bên cạnh đó, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng sẽ tăng cường xây dựng nền nếp, kỷ cương; nêu cao ý thức tự học, tự rèn luyện để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong cán bộ quản lý và giáo viên; quan tâm giáo dục đạo đức, hạnh kiểm, kỹ năng, ý thức tự rèn luyện, học tập của học sinh làm cho hoạt động giáo dục chuyển biến theo hướng “dạy thật - học thật” để đạt kết quả “dạy tốt - học tốt”. Đồng thời thực hiện có hiệu quả việc “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên và thi đua đột kích sẽ là cơ sở quan trọng để huyện Phước Long tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
HC