Phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác lợi thế của địa phương

Nhằm tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững, đặc biệt là phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.

Phở sắn - sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: PL)

Phở sắn - sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: PL)

Đã có 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 10/2020, trên cả nước đã có 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng có nhiều sản phẩm nhất với 712 sản phẩm, khu vực miền núi phía Bắc với 497 sản phẩm (chiếm 22,9%),…

Về cơ cấu sản phẩm được phân hạng, đã có 1.405 sản phẩm (chiếm 64,8%) đạt 3 sao; 716 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hiện nay, Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm tiềm năng 5 sao theo đề xuất của 12 tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2020.

Đáng chú ý, hoạt động quảng bá, kết nối cung – cầu, giới thiệu sản phẩm OCOP được các địa phương triển khai mạnh mẽ ngay từ năm 2019. Trong đó, các địa phương đã tổ chức hội chợ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ trong nước, khu vực nhằm quảng bá, tuyên truyền hình ảnh sản phẩm OCOP của địa phương. Nhiều địa phương đã bắt đầu phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, tổ chức các Hội chợ, Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP thường niên như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bắc Kạn, Quảng Nam...Đặc biệt, một số các sản phẩm OCOP đã được mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Vnpost, Lazada cũng như trong các chuỗi siêu thị của các tập đoàn lớn.

Từ đây, sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng doanh thu, giá trị và thị trường. Đa số các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ 10-40%, nhiều sản phẩm ở khu vực khó khăn đã hướng đến xuất khẩu, điển hình như sản phẩm: miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của tỉnh Sơn La….

Nhìn chung, đánh giá của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho thấy, Chương trình OCOP bước đầu đã có những tác động tích cực vào phát triển kinh tế và xã hội khu vực nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực của các chủ thể, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc sản, truyền thống ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, chương trình đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, góp phần phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, mà còn là cơ hội, điều kiện để người dân có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng địa phương.

Một khu vực trưng bày sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại siêu thị Big C Thăng Long (Ảnh: ĐH)

Một khu vực trưng bày sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại siêu thị Big C Thăng Long (Ảnh: ĐH)

Khai thác các lợi thế của địa phương gắn với mục tiêu tạo việc làm

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong giai đoạn 2021-2025, sẽ phát triển sản phẩm OCOP dựa trên việc khai thác các lợi thế của địa phương và gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các vùng khó khăn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn này, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, một trong những nhiệm vụ chính trong giai đoạn tới là phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng.

Đối với sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung vào đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật. Mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương; quản lý chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Đối với sản phẩm tiềm năng, cần rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống. Hỗ trợ hình thành và triển khai phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Trong đó, xây dựng, quản lý đồng bộ và hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận), để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng.

Đồng thời, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, cần xây dựng hệ thống các sự kiện, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên, đồng bộ và kết nối từ trung ương đến địa phương. Thử nghiệm và nhân rộng các mô hình điểm bán hàng OCOP, Trung tâm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin. Xây dựng các chính sách hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP quốc gia; đẩy mạnh kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP cấp vùng, quốc gia và quốc tế.

Đi cùng với đó, cần hỗ trợ đầu tư ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, quy trình sản xuất trong sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận đạt sao. Hỗ trợ đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc để triển khai các ý tưởng, phương án sản xuất kinh doanh nhằm hình thành các sản phẩm chế biến, dựa trên việc khai thác lợi thế vùng nguyên liệu từ sản phẩm đặc trưng của địa phương./.

 

Phản hồi

Các tin khác