Xứng danh ngôi trường mang tên Bác!

Sáng 20/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 38 Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020). Đây là dịp để đội ngũ các thầy giáo, cô giáo cùng gặp gỡ ôn lại chặng đường đã qua, tôn vinh giá trị nghề nghiệp và khẳng định sâu sắc hơn bản lĩnh, tinh thần và trí tuệ của người giảng viên dưới mái trường mang tên Bác trong thời đại mới.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự Lễ kỷ niệm.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm.


Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp các nhà giáo, nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn, đội ngũ đã chứng tỏ những phẩm chất và năng lực của người trí thức cách mạng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ những người thầy, nhà nghiên cứu khoa học của Học viện đã góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo hàng vạn cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp và cán bộ lý luận của Đảng, của đất nước. Cũng từ mái trường này, nhiều nhà giáo, nhà khoa học đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, nhà lãnh đạo, quản lý có uy tín và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị.

“Nhân dịp ngày lễ quan trọng này, từ tình cảm sâu lắng, tôi xin chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo về lao động nhọc nhằn và hy sinh thầm lặng mà thiên chức nghề nghiệp đã trao gửi; xin được thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xin nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những thành tích, sự phấn đấu miệt mài và sự đóng góp của các thầy giáo, cô giáo cho ngành giáo dục nói chung và sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho Đảng và Nhà nước nói riêng” - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, với sự đoàn kết, thống nhất, vượt qua những khó khăn, năm 2020, Học viện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; tăng cường đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại.

Theo đó, về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Học viện đã triển khai thành công 05 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng với nội dung, chương trình được xây dựng công phu, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, hiện đại, phù hợp với từng đối tượng người học. Điểm nổi bật là giảng viên trực tiếp giảng dạy là người biên soạn các chuyên đề và tổ chức thảo luận trên lớp. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo như: quẹt thẻ ra vào, camera giảng đường, hệ thống nhận diện khuôn mặt; đồng thời phát huy vai trò quản lý của giảng viên lên lớp để tăng cường đảm bảo kỷ cương, nền nếp học tập các hệ lớp.

Cùng với đó, quy mô đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các lớp bồi dưỡng chức danh, đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, điều kiện thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Học viện đang triển khai mạnh mẽ việc cập nhập, bổ sung giáo trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị và giáo trình Trung cấp lý luận chính trị hành chính theo hướng rà soát, lược bỏ nội dung không phù hợp, trùng lặp, cập nhật tinh thần mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; để kịp phát hành và sử dụng thống nhất giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, Trung cấp lý luận chính trị trong toàn hệ thống Học viện và các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng được thực hiện quyết liệt và có nhiều đổi mới. Các chương trình nghiên cứu khoa học được triển khai đồng bộ, coi trọng chất lượng, quy mô lớn, có chiều sâu, đạt kết quả tích cực, bám sát các định hướng, chương trình công tác của Trung ương Đảng, Chính phủ; đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học để đổi mới, hoàn thiện nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên; chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Học viện.

 “Trong thời gian qua, Học viện đã gửi hơn 40 báo cáo kiến nghị chắt lọc từ kết quả nghiên cứu khoa học. Cáo chuyên đề, kiến nghị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, đóng góp vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách và soạn thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Từ tháng 4 năm 2020, Học viện đã chính thức đưa vào vận hành trang Thinhvuongvietnam.com, trong đó đăng tải những bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Đến nay, trang web đã nhận được rất nhiều lượt theo dõi, được đánh giá cao và có tác động sâu sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch” – đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

 Chia sẻ về những nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Học viện sẽ triển khai mạnh mẽ Đề án “Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế”, đổi mới căn bản chương trình, nội dung các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, sát hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng thiết thực, vừa trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc, vừa gắn với việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước. Đổi mới phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả; gắn kết giữa nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo với xử lý tình huống thực tiễn; thực hiện đào tạo toàn diện, chú trọng cả nâng cao trình độ kiến thức, rèn luyện năng lực tư duy khoa học và năng lực tổng kết thực tiễn, trau dồi đạo đức, lối sống, củng cố lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, phát huy cao tính chủ động, tích cực, khả năng độc lập suy nghĩ sáng tạo của học viên.

 Đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện; bảo vệ, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển toàn diện hệ thống lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước…

Xây dựng Học viện thành trung tâm đào tạo nghiên cứu lớn nhất của Đảng

Gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, lời cảm ơn đến nhà giáo lão thành, các thầy cô giáo, đội ngũ cán bộ, viên chức của Học viện, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Học viện đang thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng theo quyết định của Bộ Chính trị, đó là: Xây dựng Học viện thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo của Đảng; trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng; trung tâm đổi mới sáng tạo đối với ngành giáo dục đào tạo nói chung và với đào tạo lý luận chính trị nói riêng.

Nhiệm vụ quan trọng khác của Học viện là góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.

 Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đó, theo đồng chí, Học viện cần thực hiện 4 “chất”: Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất, nghiên cứu thực chất hơn. Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, tự hào của trường Đảng; phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém để xây dựng trường Đảng mạnh hơn về tất cả mọi mặt; phát triển trường Đảng toàn diện, xứng danh ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và là trung tâm đào tạo nghiên cứu lớn nhất của Đảng. Tiếp tục nâng cao chất lượng học tập, đào tạo và nghiên cứu; góp phần siết chặt kỷ luật kỷ cương, khắc phục bệnh lười học, ngại học, học qua loa đại khái lý luận.

 Đồng chí Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng khác Học viện cần tiếp tục tập trung là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng. “Rất mong các đồng chí phát huy những kiến thức, kinh nghiệm đã có, với lý luận sắc bén để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, vu khống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” - đồng chí Phạm Minh Chính chỉ rõ.

 Đồng chí Phạm Minh Chính tin tưởng, với truyền thống hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

 

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho các cá nhân xuất sắc của Học viện

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho 01 cá nhân xuất sắc, Huân chương Lao động hạng Nhì cho 01 cá nhân xuất sắc, Huân chương lao động hạng Ba cho 02 cá nhân xuất sắc; và huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho 01 đồng chí đảng viên./.

 

Phản hồi

Các tin khác