Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong những năm qua, hoạt động đầu tư phát triển du lịch được địa phương quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch không ngừng mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng, tiện nghi, hiện đại; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, theo hướng văn minh, lịch sự; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức tổ chức...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh ước đón được hơn 38 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,4% năm; trong đó khách quốc tế ước đón 906 nghìn lượt. Tổng thu từ du lịch toàn tỉnh ước đạt 49.093 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/ năm.
|
Năm 2020, tại các điểm tham quan du lịch trọng điểm của Thanh Hóa như: Khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến... đã thu hút được khá đông du khách nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng.
|
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh. Với tinh thần “Sáng tạo, kỷ cương, tăng tốc, về đích”, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền sâu đậm các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và tỉnh như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); 60 năm Ngày kết nghĩa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Nam (12/3/1960 - 12/3/2020); 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930 - 29/7/2020); đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội XIII của Đảng...
Ngành cũng đã tham mưu, xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, quy hoạch quan trọng trình cấp có thẩm quyền, điển hình như trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành; quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó, tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa đạt 77%; tỷ lệ thôn, làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa đạt 79%. Lĩnh vực thể thao được ngành chú trọng và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đến ngày 20/12/2020, vận động viên các môn đã tham gia thi đấu 101 giải, đạt 614 huy chương các loại, trong đó 186 huy chương Vàng...
Năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, ngành du lịch Thanh Hóa đã từng bước khắc phụ khó khăn, tập trung khai thác, kích cầu thị trường du lịch nội địa. Vì thế, tại các điểm tham quan du lịch trọng điểm của Thanh Hóa như: Khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; Khu du lịch cộng đồng Pù Luông, Bến En, Thành nhà Hồ... đã thu hút được khá đông du khách nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng.
|
Năm 2021, Thanh Hóa nỗ lực đón khoảng 11,9 triệu lượt khách du lịch.
|
Năm qua, Thanh Hóa đã đón 7,3 triệu lượt khách, giảm 24% so với năm 2019, đạt 65,5% kế hoạch năm 2020, trong đó có 35.550 lượt khách quốc tế, giảm 88,2% so với năm 2019, đạt 8,9% kế hoạch năm 2020. Tổng thu du lịch đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019, đạt 50,7% kế hoạch năm 2020. Ngành Du lịch Thanh Hóa đã tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như tổ chức Lễ công bố tour du lịch về miền di sản Ninh Bình - Thanh Hóa và phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa; Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội du lịch Thanh Hóa với Hiệp hội du lịch các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tuyên truyền, quảng bá về du lịch Thanh Hóa…
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ phấn đấu tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó chú trọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, phấn đấu tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đạt 74%; tỷ lệ thôn, làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa đạt 72%. Cùng với đó, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, sớm đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm thể thao mạnh hàng đầu của cả nước; nỗ lực phục hồi du lịch sau dịch COVID-19, để đón khoảng 11,9 triệu lượt khách du lịch, tổng thu đạt 22.858 tỷ đồng...
Nhằm tạo bước đột phá, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Sầm Sơn, Hàm Rồng, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ và Bến En vào danh mục khu du lịch quốc gia (trong điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030); đồng thời ưu tiên tăng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm tập trung phát triển các khu du lịch trên trở thành thương hiệu du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung truyền tải mạnh mẽ thông điệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn nhằm mang lại niềm tin, sự thoải mái cho nhân dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo cho du khách môi trường du lịch an toàn, an ninh, vệ sinh. Đồng thời, làm mới các sản phẩm dịch vụ phù hợp với các thị trường và xu hướng du lịch mới; tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ sạch để phát triển sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch./.
Bài, ảnh: NK