Thành phố Thanh Hóa có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt
Một góc thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Báo Nhân dân)
Ngày 1/5/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 37/CP-TTg, nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố và công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Kể từ công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại III, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thành phố Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Điểm nhấn nổi bật là: Kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Giai đoạn 2006 - 2010, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 18,5%, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 2.366 USD, vượt mục tiêu đề ra và cao gấp 2,15 lần so với năm 2005; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 282 triệu USD, tăng 106 triệu USD so với nhiệm kỳ trước; huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt 13.500 tỷ đồng, vượt 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra; các ngành kinh tế phát triển khá toàn diện. Quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 72% năm 2005 lên 76% năm 2010.
Với những kết quả đạt đươc, năm 2014, nhân kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập, thành phố Thanh Hóa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền thành phố Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, trọng tâm là lãnh đạo thực hiện tốt 4 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá, nhằm tạo nên bước phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của thành phố. Nhờ vậy, kinh tế của thành phố có sự tăng trưởng cao, năng lực và quy mô giá trị sản xuất ngày càng lớn mạnh. Nổi bật là: Kinh tế tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 16,5%, tăng 1,5% so với giai đoạn trước. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2015. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 16,8%. Dịch vụ - thương mại phát triển đồng bộ cả về quy mô, ngành nghề và chất lượng; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân tăng 17,8%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 1.750 triệu USD, gấp 2,32 lần so với đầu nhiệm kỳ. Các thành phần kinh tế phát triển đa dạng. Huy động vốn cho đầu tư phát triển ước đạt 143.010 tỷ đồng, gấp 2,13 lần giai đoạn trước và chiếm 23,3% tổng huy động vốn đầu tư toàn tỉnh.
Bí thư Thành ủy Thanh Hóa Lê Anh Xuân
Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển; công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo. Đến hết năm 2019, đã có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về sự phát triển của thành phố Thanh Hóa, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân cho biết: “Từ một thị xã nghèo nàn, nhỏ bé, bị tổn thất nặng nề qua hai cuộc chiến tranh, đến nay thành phố Thanh Hóa qua 4 lần mở rộng địa giới hành chính, diện tích tự nhiên tăng lên hơn 14.677 ha, dân số gần 500 ngàn người, là một trong những đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp; nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ thương mại quy mô lớn, hiện đại đã được đầu tư xây dựng, tạo ra diện mạo mới theo hướng văn minh, hiện đại cho thành phố Thanh Hóa, đặc biệt đã góp phần mở rộng không gian phát triển, nâng cao “sức hút” của thành phố đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ. Đến nay, toàn thành phố có 10/34 phường, xã không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,13%. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; sự liên kết, hợp tác với các địa phương, các đô thị trong và ngoài nước được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của thành phố ngày càng được nâng cao”.
Xây dựng thành phố Thanh Hóa trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước
Bước sang giai đoạn phát triển mới, thành phố Thanh Hóa có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt; song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân thành phố phải tranh thủ thời cơ, nỗ lực vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, vị thế, tầm vóc đô thị tỉnh lỵ của một tỉnh có diện tích và quy mô dân số lớn nhất cả nước và đang trên đà phát triển đi lên mạnh mẽ.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm phát triển của Đảng, với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Nêu gương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hóa lần thứ XXI đã đề ra định hướng phát triển của thành phố trong 5 năm tới, đó là: “Xây dựng thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”. Định hướng trên là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Thanh Hóa.
Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hóa lần thứ XXI đã đề ra định hướng phát triển của thành phố trong 5 năm tới, đó là: “Xây dựng thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước (Ảnh: TTXVN)
Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân cho biết: Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đảng bộ thành phố Thanh Hóa đã xác định 27 chỉ tiêu chủ yếu, 3 chương trình trọng tâm và 2 đột phá trong nhiệm kỳ, với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Trọng tâm là: Tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, gắn đường hướng phát triển thành phố Thanh Hóa với chiến lược phát triển chung của tỉnh, đáp ứng vai trò đầu tàu kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực của tỉnh; Song song với phát triển kinh tế, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, xây dựng thành phố Thanh Hóa thực sự là “Trung tâm văn hóa” của cả tỉnh; Thường xuyên chăm lo giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề an ninh, trật tự, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả tỉnh; Chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng…
Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân tin tưởng rằng, với nhiệt huyết tràn đầy của một thành phố trẻ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Thanh Hóa ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thanh Hóa lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại./.