|
Năm 2020, Cảng Chu Lai được UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm đầu tư trở thành một trong những cảng lớn của miền Trung .
|
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong năm 2020, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và khắc phục thiên tai, bão lụt được các cấp, các ngành tập trung thực hiện. Tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Cùng với đó, địa phương cũng triển khai thực hiện các chính sách về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19; khẩn trương khắc phục những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 65.783 tỷ đồng, dự kiến bằng 93% so với năm 2019. Ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mức tiêu thụ giảm, tăng trưởng bằng 94,9% so với năm 2019. Thương mại - dịch vụ bằng 89,8% so cùng kỳ năm 2019, bị ảnh hưởng nhiều nhất là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 55,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 47,3 nghìn tỷ đồng, bằng 88% so với năm 2019.
Trong điều kiện khó khăn trên, ngành Du lịch đã chịu ảnh hưởng lớn với tổng lượt khách tham quan, lưu trú giảm 81% so với năm 2019 (chỉ đạt trên 1,46 triệu lượt); trong đó khách quốc tế ước đạt 763.900 lượt, giảm 83,6%; khách nội địa ước đạt 703.500 lượt, giảm 77,5%. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch trong năm ước đạt 1.068 tỷ đồng, giảm 82,7%.
Mặc dù có nhiều khó khăn đối với nền kinh tế, song theo đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng Đề án trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần kích thích, tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư và phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, việc thành lập mới các doanh nghiệp trong năm tuy không bằng năm 2019, song đã có đến 1.287 doanh nghiệp mới được thành lập. Tỉnh cũng đã cấp mới 07 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 33 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh tính đến nay 196 dự án với tổng vốn đăng ký 5,93 tỷ USD.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, mặc dù năm 2020, Quảng Nam gặp nhiều khó khan, thách thức, song tỉnh cũng tập trung nhiều nguồn lực cho công tác đầu tư phát triển. Nhờ đó đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mơí (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm là 116 xã, đạt tỷ lệ 58% tổng số xã. Bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn toàn tỉnh là 15,67 tiêu chí/xã, tăng 0,41 tiêu chí/xã so với năm 2019.
Đồng thời, tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững. Năm 2020, dự kiến toàn tỉnh giảm được 2.872 hộ nghèo so với năm 2019, đạt kế hoạch đề ra.
Trong khi đó trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các lễ hội truyền thống cũng được quan tâm tổ chức, nhất là vào dịp diễn ra các sự kiện, các ngày lễ, kỷ niệm như: kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam; 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam; Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công; tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII năm 2020….
Các lĩnh vực giáo dục, y tế được quan tâm; hoạt động nghiên cứu khoa học được chuyển biến theo hướng nâng cao chất lượng; tăng tỷ lệ ứng dụng gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh được triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo được tăng cường.
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả trên, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Quảng Nam trong năm 2020 còn có nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra, một số lĩnh vực có tốc độ tăng chậm lại. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Thu ngân sách thiếu ổn định, một số nguồn thu đạt thấp so với dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Công tác thu hồi đất, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án.
Kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh còn khó khăn; giáo dục - đào tạo, y tế chuyển biến chưa mạnh; chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng miền núi; ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra.
Việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, lâm, khoáng sản còn xảy ra sai phạm và chưa được xử lý triệt để; tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp; khiếu nại, khiếu kiện tập trung đông người, nhất là trên lĩnh vực đất đai vẫn còn xảy ra.
|
Sâm Ngọc Linh được Quảng Nam phát triển, trở thành cây dược liệu chủ yếu cho các huyện miền núi của tỉnh.
|
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, so với 17 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra năm 2020, Quảng Nam có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; có 05/17 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom.
Bước vào năm 2021, Quảng Nam đặc ra 17 nhóm chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh và quốc phòng. Đồng thời cũng đề ra 07 nhóm giải pháp để thực hiện. Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung quan tâm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh cũng sẽ quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất cho các nhà đầu tư để triển khai dự án; tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao và môi trường; phấn đấu phát triển thêm khoảng 1.500 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên gần 9.250 doanh nghiệp; phát triển thêm 35-40 hợp tác xã, nâng số hợp tác xã hoạt động lên hơn 430 hợp tác xã.
Đặc biệt, trong năm 2021 Quảng Nam sẽ tập trung đẩy mạnh 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời ưu tiên phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi. Đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa đồng bằng và miền núi, tạo động lực cho phát triển.
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, năm 2021 Quảng Nam cũng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và tập trung cho công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đối ngoại, trong đó có các hoạt động hữu nghị với các nước trong khu vực và quốc tế./.
Bài, ảnh: Đình Tăng