Đó là một trong những giải pháp được Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành trong năm 2021.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
|
Nhiều chỉ tiêu vượt trội trong năm 2020
Năm 2020 là một năm đầy gian nan, thử thách của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khi phải đối diện với nhiều khó khăn cùng lúc như: tác động của đại dịch COVID-19; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, bão, lũ lụt, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn; thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn,... Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, Đảng ủy Bộ NN&PTNT đã tích cực chủ động tham gia với Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả toàn diện.
Điều này thể hiện rõ khi ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Cụ thể, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền và chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với các giải pháp đồng bộ, từ đây, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,65%, tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong năm 2020, ghi nhận thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn. Ngành Nông nghiệp đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 vẫn đạt được con số ấn tượng với khoảng 41,25 tỷ USD. Duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.
Đáng chú ý, thực hiện nhiệm vụ chính trị về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2020, đã có 5.506 xã (chiếm tỷ lệ 62%), 173/664 huyện (26%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, đã có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 tỉnh gồm: Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng, kinh tế nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn đã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 4,2%.
Tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Bên cạnh đó, dự báo tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đáng chú ý là đại dịch COVID -19 tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là những khó khăn nội tại từ bên trong của ngành Nông nghiệp khi dịch tả lợn Châu Phi cần thời gian dài để xử lý và ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu, cũng như tiêu thụ hàng hóa; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn,... đòi hỏi toàn ngành Nông nghiệp vừa cần có những ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại.
Trên cơ sở đó, Đảng ủy Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, sẽ tiếp tục chủ động tham gia với Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,7 – 3,0%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. Bên cạnh đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt 70%; có ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để hoàn thành được các chỉ tiêu trên, Đảng ủy Bộ NN&PTNT cho biết, toàn ngành sẽ đẩy nhanh cơ cấu lại dựa trên thế mạnh, năng lực cạnh tranh của từng vùng miền và phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đi cùng với đó là thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị gắn với các nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường; ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả và an ninh lương thực quốc gia. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu.
Đảng ủy Bộ NN&PTNT cho biết thêm, để thực hiện các mục tiêu, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam.
Và một giải pháp không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay, đó là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng thể chế, chính sách đi cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Đảng ủy Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đến vai trò của việc tiếp tục phối hợp làm tốt công tác chính trị tư tưởng, giữ gìn sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nhằm phấn đấu vì sự phát triển bền vững của Ngành./.
Bùi Thủy