(ĐHXIII) – Xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, nên các bước chuẩn bị đang được các cấp, ngành của tỉnh Thái Bình khẩn trương triển khai, đảm bảo an toàn, chặt chẽ, chu đáo để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Cụ thể, để cuộc bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch và đạt kết quả cao, ngay sau khi có hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo Bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh làm Trưởng ban. Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định thành lập Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh. Theo đó, Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBBC đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
|
Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Bình họp triển khai công tác chuẩn bị bầu cử. (Ảnh: TT).
|
Tiếp đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng có văn bản chỉ đạo về tổ chức cuộc bầu cử ÐBQH khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó yêu cầu các cấp, các ngành và toàn thể đảng viên, cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chủ động nghiên cứu, quán triệt, triển khai các văn bản liên quan đến công tác bầu cử; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện cuộc bầu cử theo đúng quy định, quy trình của pháp luật, đảm bảo vừa thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021.
Theo dự kiến, tỉnh Thái Bình sẽ có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 16 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khoá XVII, 64 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thực hiện kế hoạch của UBBC tỉnh Thái Bình, đến nay 100% đơn vị cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập UBBC, ban hành kế hoạch triển khai, thành lập các tiểu ban giúp việc. Ðặc biệt, để làm tốt công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn ứng cử ÐBQH và đại biểu HÐND. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị hướng dẫn về công tác bầu cử trong hệ thống MTTQ các cấp. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã hướng dẫn nội dung, quy trình cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Qua hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình đã thống nhất: Đại biểu Quốc hội tỉnh được phân bổ bầu là 9 đại biểu, giới thiệu 16 người; đại biểu HĐND tỉnh được bầu 62 đại biểu, giới thiệu 124 người. Cấp huyện thống nhất đại biểu HĐND được bầu 312, cấp xã đại biểu được bầu là 6.580.
Trong công tác chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; tạo không khí đoàn kết, vui tươi, phấn khởi hướng tới ngày hội lớn của toàn dân. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai, cụ thể hóa, xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham gia vào các khâu, các phần việc để tổ chức cuộc bầu cử nhịp nhàng, chất lượng nhất. Anh Nguyễn Văn Bình ở thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho biết, những ngày gần đây, việc tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử đã được đẩy mạnh trên hệ thống truyền thanh và bảng tin tại các khu dân cư. Mọi người ai cũng phấn khởi, đợi đến ngày bầu cử để được thực hiện quyền làm chủ của mình.
Theo đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Bầu cử tỉnh Thái Bình, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng nhằm phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân. Để công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo, chặt chẽ, ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải thường xuyên sâu sát đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị ngay từ những khâu, những bước đầu tiên; tiến hành chặt chẽ, đúng thời điểm và quy định mọi công việc, mọi khâu chuẩn bị, các bước quy trình theo đúng hướng dẫn. Quá trình chuẩn bị, căn cứ tình hình thực tế, nhất là những diễn biến của dịch bệnh COVID-19, từng địa phương cần nêu cao tính chủ động, với những cách làm linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thành công cuộc bầu cử; lựa chọn và bầu được những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, năng lực đại diện cho nhân dân vào cơ quan dân cử./.
TL