Ứng dụng chiết tách dầu dừa bằng công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao
TS. Nguyễn Phương (bên trái) cùng đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và kiểm tra dây chuyền công nghệ không gia nhiệt. (Ảnh: Bộ KH&CN)

TS. Nguyễn Phương (bên trái) cùng đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và kiểm tra dây chuyền công nghệ không gia nhiệt. (Ảnh: Bộ KH&CN)

Tham gia các phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phát động, TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KH&CN, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH&CN) đã tiên phong dẫn đầu lựa chọn việc thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”. Kết quả của đề tài đã được triển khai vào chế biến dừa tại Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới - Bến tre.

Chia sẻ về những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi để tạo nên thành công trên, TS Nguyễn Phương cho biết: Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nền kinh tế chưa phát triển nhưng có nhiều tiềm năng phát triển. Để xoá đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đưa nền kinh tế phát triển, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra hiện nay là tăng diện tích và năng suất trồng trọt, tạo vùng chuyên canh, đặc biệt chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ mới trong chế biến các sản phẩm nông nghiệp thành hàng hoá nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đối với Bến Tre nói riêng và vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cây dừa được coi là cây của sự sống từ ngàn đời. Điều kiện tự nhiên Việt Nam được đánh giá là rất thuận lợi cho việc phát triển cây dừa nhất là từ vĩ tuyến 20 trở vào. Dừa có thể sinh trưởng trên các loại đất khác nhau, nhưng phát triển tốt trên đất cát có nhiễm mặn nhẹ. Diện tích trồng dừa của Việt Nam hiện nay trên 142.000 ha với năng suất bình quân là 36 - 38 quả/cây/năm, trong đó tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm 80%, đứng đầu là Bến Tre.

Cùng với đó, TS Nguyễn Phương cũng cho biết, hiện nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dừa ngày càng tăng, bởi những công dụng nổi bật đã được khoa học chứng minh. Chính vì thế, không riêng gì ở Việt Nam, các quốc gia trồng dừa nhiều như Philippines, Thái Lan, Indonesia… cũng đã chú trọng phát triển nghề trồng và chế biến dừa một cách toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu nhằm phát huy tối đa về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Từ nhu cầu thực tế trên, được sự chấp thuận từ Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN), với mục tiêu đổi mới công nghệ nâng cao giá trị gia tăng cho dừa, TS. Nguyễn Phương cùng cộng sự đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”.

Thành công của đề tài cho thấy, việc áp dụng công nghệ tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt từ dừa tươi đã khẳng định lần đầu tiên ở Việt Nam có một dây chuyền sản xuất nguyên liệu cho dầu dừa tinh khiết (VCO) với công nghệ và thiết bị được đánh giá tiên tiến hàng đầu hiện nay trên Thế giới.

Đề tài được triển khai đã cung cấp dòng sản phẩm VCO mới chất lượng cao cho ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng từ trái dừa, thúc đẩy việc trồng dừa tại các địa phương có điều kiện phát triển về cây dừa, góp phần ổn định sinh thái bền vững nông thôn và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đang được thế giới quan tâm.

TS Nguyễn Phương cũng cho hay: Về hiệu quả kinh tế, dây chuyền sản xuất VCO đến nay đã cho tiêu thụ 75 triệu trái dừa/năm, chiếm 13% tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh Bến Tre, góp phần tăng năng lực xuất khẩu VCO lên 26 lần, tăng giá trị lên 3,3 lần so với sản xuất dầu dừa công nghệ cũ.

TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ về thành công của đề tài nghiên cứu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V do Bộ KH&CN vừa tổ chức. (Ảnh: BL)

TS. Nguyễn Phương chia sẻ về thành công của đề tài nghiên cứu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V do Bộ KH&CN vừa tổ chức. (Ảnh: BL)

Thành công của việc triển khai đề tài đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm từ dừa hoà nhập và cạnh tranh công bằng với các nước trong khu vực, khẳng định giá trị trái dừa của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với những cống hiến to lớn trong hoạt động quản lý, đặc biệt thành công của đề tài, TS Nguyễn Phương đã đạt danh hiệu điển hình tiên tiến và vinh dự nhận bằng khen của Phó Chủ tịch nước trao tặng tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V do Bộ KH&CN vừa tổ chức.

Chia sẻ về kết quả trên, TS Nguyễn Phương cho biết: Với phương châm: “Đổi mới tư duy – Hành động hiệu quả”, từ kết quả đề tài trên Viện Ứng dụng công nghệ đã thực hiện liên kết 04 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.

“Để đạt được kết quả trên không thể thiếu được sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp lãnh đạo, sở, ban, ngành tỉnh Bến Tre và đặc biệt là sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN, Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng công nghệ đồng hành cùng Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung”, TS Nguyễn Phương cho biết.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc thực hiện thành công đổi mới công nghệ, tìm kiếm, giải mã công nghệ cao áp dụng vào sản xuất hướng tới mục tiêu: “Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa, giảm thiểu xuất khẩu dạng thô các chế phẩm từ dừa” mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội cho đất nước./.

Phản hồi

Các tin khác