(ĐHXIII) - Để kịp thời hỗ trợ DN, trong thời gian tới, Thành phố xác định tiếp tục đồng hành cùng DN thực hiện “Mục tiêu kép” bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Thành phố trong 5 tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: So với cùng kỳ, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9% (trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8%); Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2021, TP Hồ Chí Minh có 6.481 DN hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 174.608,470 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, DN tại TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt phải kể đến sự sụt giảm của lực lượng lao động tham gia sản xuất; người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc; thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; việc tiếp cận khách hàng và chuỗi cung ứng của nhiều DN bị gián đoạn; phát sinh chi phí phòng ngừa dịch COVID-19… Vì vậy, đã có 2.458 DN đăng ký giải thể (tăng 5% so với cùng kỳ); 9.849 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 23,79% so với cùng kỳ.
Trước tình hình trên, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, kịp thời động viên DN và người dân, được người dân đánh giá cao.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp với đợt bùng phát dịch lần thứ 4, trong đó tại TP Hồ Chí Minh số ca mắc mới vẫn chưa dừng lại. Điều đó, khiến cho doanh nghiệp tiếp tục lại đối mặt với những khó khăn, ảnh hưởng nặng nề tới tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người lao động.
Trước thực tế đó, về phía Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo Thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về Chương trình tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho công nhân, người lao động. Đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn các DN có điều kiện có thể chủ động sớm mua vắc xin tiêm phòng cho công nhân của mình.
Triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐTB-XH ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các DN gặp phải. Đồng thời, Thành phố sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của Thành phố.
DN cũng kiến nghị phía ngân hàng tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho DN sản xuất bớt khó khăn.
Tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” giữa các tỉnh thành, với doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây diễn ra phức tạp, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của DN. Nhiều DN gặp khó khăn, bất cập trong việc vận chuyển, phân phối hàng hóa giao thương qua lại.
Điều này cũng đi ngược với chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ là vừa phòng chống dịch COVID 19 nhưng vẫn phải phát triển kinh tế. Do vậy, DN cho rằng, Thành phố cần sớm có văn bản trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để đảm bảo cho hoạt động lưu thông hàng hóa không bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
Để kịp thời hỗ trợ DN, trong thời gian tới, Thành phố xác định tiếp tục đồng hành cùng DN thực hiện “Mục tiêu kép” bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Trước hết, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Thứ hai, triển khai chính sách hỗ trợ của TP về tài chính và phi tài chính. Trong đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng chống dịch; hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu; triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường; xây dựng định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP; đẩy mạnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống lâu nay.
Đặc biệt, sẽ có chính sách hỗ trợ đối với các DN, tổ chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ DN, như điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi DN tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại; giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất …
Với điều kiện Việt Nam sẽ có vắc xin trong năm 2021 và triển khai tiêm trong năm 2021 đến quý 1/2022, Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế, xã hội cụ thể của Thành phố trong năm nay. Trong đó, kịch bản cao nhất là trong điều kiện Thành phố khống chế được dịch bệnh COVID-19 trong quý 2/2021 đồng thời, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi, kiểm soát tốt dịch bệnh thì tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố trong 9 tháng đầu năm 2021 sẽ ước đạt 5,74% và cả năm 2021 sẽ tăng 6,37%. |
V.Lê