Chiều 11/9, tại Văn Phòng Trung ương Đảng, Tiểu ban văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã họp tiếp thu ý kiến của một số tổ chức đảng và cá nhân, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban văn kiện chủ trì phiên họp.
Cùng dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên tiểu ban.
|
Hình ảnh tại buổi làm việc.
|
Theo báo cáo của Tiểu ban văn kiện, sau khi Ban Chấp hành Trung ương cho phép gửi bản tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị xin ý kiến của đại hội cấp cơ sở và toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị xin ý kiến đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương.
Đến nay, Tiểu ban văn kiện đã nhận được báo cáo tổng hợp gửi ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Hội đồng lý luận Trung ương, một số tổ chức đảng và cá nhân. Thường trực Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Tổ biên tập cập nhật tình hình, nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo báo cáo trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại phiên họp, các thành viên tiểu ban văn kiện tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về 7 vấn đề đó là Chủ đề của Đại hội XIII; về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; về dự báo tình hình; về quan điểm chỉ đạo; về mục tiêu phát triển; về các đột phá chiến lược và về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, xây dựng Văn kiện là một nội dung rất khó vì đây là một trong những nội dung quan trọng nhất trong Đại hội Đảng toàn quốc, định hình sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, vì vậy, có nhiều ý kiến khác nhau cần được chắt lọc và trân trọng tiếp thu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu Tổ Biên tập Văn kiện trong quá trình tiếp thu ý kiến, truyền tải các ý kiến vào dự thảo Văn kiện phải coi trọng tính chuẩn xác trong từng khái niệm, nội hàm, trong từng câu, chữ.
“Văn kiện Đại hội là rất quan trọng, không phải là một nghị quyết bình thường, nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã là quan trọng rồi. Đây là nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc 5 năm mới có 1 lần nên là rất quan trọng, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, tính chính trị, rất cơ bản, quan trọng và còn ghi mãi trong lịch sử cho nên phải làm chặt chẽ...” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc.
|
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Văn kiện Đại hội vừa mang tính lý luận chính trị rất cao, nhưng đồng thời lại phải làm có tính quần chúng để ai đọc cũng hiểu được. Vừa qua Tổ Biên tập đã chuẩn bị tốt, nhưng giờ đây tiếp tục đầu tư hơn nữa, cố gắng đừng mang tính học thuật, bác học quá, một chữ gây ra cũng hiểu lầm, gây tranh cãi không cần thiết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu: Báo cáo chính trị là trung tâm, tất cả các báo cáo khác phải theo quan điểm của báo cáo chính trị, không được trái (báo cáo kinh tế, báo cáo xây dựng Đảng phải lấy cái nền, cái cốt, cái cơ bản của báo cáo chính trị để minh họa cho ngành, lĩnh vực của mình, tuyệt đối không được nói ngược lại báo cáo chính trị). Nay mai việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng phải theo tinh thần ấy. Chính vì vậy, phải nghiên cứu rất kỹ, rất sâu, nắm cho chắc, đọc nhiều, tranh luận, phải trao đổi với nhau rất là khách quan, cầu thị, lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau.
“Tinh thần chung là, vấn đề gì, chủ trương nào, đã rõ, đã chín, được thực tiễn đã chứng minh là đúng, đã kiểm nghiệm, đã có sự thống nhất cao thì đưa vào báo cáo. Còn nếu đang nghiên cứu, đang tranh luận, mới chợt nghĩ ra hoặc nghe mới rất hay phải hết sức thận trọng. Nói cách khác phải dùng “văn chuẩn” để khi nào người ta muốn thì giở văn kiện đại hội ra. Văn kiện đại hội không phải là của cá nhân nào cả, đây là ý chí tập thể” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Đặc biệt việc dùng câu chữ và thuật ngữ làm sao cho đúng cho chuẩn xác như: Đổi mới, sáng tạo, kinh tế số, chính phủ số là gì cần được cụ thể hóa để dễ hiểu tránh suy diễn. Về mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cần làm rõ nội hàm, mục tiêu phấn đấu…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Tổ biên tập cần tiếp thu chắt lọc các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương tới thảo luận và cho ý kiến./.
Hiền Hòa