(ĐHXIII) – Ngày 1/6/2021, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh quán triệt các nội dung về phát triển công nghiệp và thương mại tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
|
Nông dân được mùa xoài. (Ảnh: Nguyễn Xuân)
|
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh quán triệt sâu sắc đến các Đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh để tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện các chủ trương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là các mục tiêu: đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động, Chiến lược và các Đề án, Kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời tích hợp và cụ thể hóa những nội dung này vào trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bố trí nguồn lực thỏa đáng trên cơ sở phù hợp với tình hình ngân sách và kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức bộ máy và có các cơ chế phù hợp, khả thi để triển khai các chính sách, chương trình hành động của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh; tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn…
Quan tâm tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của tỉnh để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến,… trong đó, ưu tiên phát triển ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế tại địa phương… Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghiệp - thương mại tại địa phương đồng bộ, hiện đại, tập trung ưu tiên các loại hình hạ tầng có tính lan tỏa, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp - thương mại khu vực nông thôn, vùng sâu. Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển để góp phần bảo đảm nền kinh tế của cả nước độc lập, tự chủ…
PV(T/H)