(ĐHXIII) – Hà Nam xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, với công nghiệp là mũi nhọn, trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với Hà Nam vẫn là mục tiêu số 1. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nam đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách các thủ tục hành chính, làm sao để các thủ tục hành chính gọn nhẹ nhất giúp cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt nhất, thuận lợi nhất khi đến với Hà Nam.
|
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
|
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã thông qua phương hướng, mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ mới là: Tăng cường đoàn kết, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, tự cân đối ngân sách, GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước; năm 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu của vùng đồng bằng Bắc Bộ; có điều tiết ngân sách về Trung ương; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước; năm 2035 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Xác định 3 khâu đột phá: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hoá nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nam xác định 18 chỉ tiêu chủ yếu (6 chỉ tiêu lĩnh vực kinh tế; 6 chỉ tiêu lĩnh vực văn hoá - xã hội; 4 chỉ tiêu lĩnh vực đô thị, môi trường, xây dựng nông thôn mới; 01 chỉ tiêu lĩnh vực cải cách hành chính và 01 chỉ tiêu lĩnh vực xây dựng Đảng). Trong đó, một số chỉ tiêu lớn là: tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 10%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp - thuỷ sản 6,3%; Công nghiệp - Xây dựng 65,2%; Dịch vụ 28,5%; Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 117 triệu đồng/người; Thu cân đối ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 10%/năm; đến năm 2025 đạt trên 16.000 tỷ đồng (trong đó: thu nội địa trên 13.500 tỷ đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm 60 - 65% so với năm 2020 (theo tiêu chí mới của Chính phủ).
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, Hà Nam xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, với công nghiệp là mũi nhọn, trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với Hà Nam vẫn là mục tiêu số 1.
Để đạt được mục tiêu này, Hà Nam đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách các thủ tục hành chính, làm sao để các thủ tục hành chính gọn nhẹ nhất giúp cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt nhất, thuận lợi nhất khi đến với Hà Nam.
“Chúng tôi cũng quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai dự án với thời gian nhanh nhất. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ như điện, nước, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất cho các doanh nghiệp khi đến với tỉnh”, tân Phó Bí thư Tỉnh ủy nói.
|
Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Huyện ủy Bình Lục.
|
Tại mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã xác định những mục tiêu, giải pháp để làm sao phù hợp với mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Huyện ủy Bình Lục cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bình Lục đã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng trong đó, huyện đã về đích nông thôn mới trước 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, triển khai được nhiều mô hình mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện xác định 3 khâu đột phá tập trung cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XX trong đó tiếp tục xác định là huyện trọng điểm về nông nghiệp. Trên cơ sở đó, triển khai những vùng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, khẳng định nông nghiệp tiếp tục là mũi nhọn của huyện góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho toàn tỉnh và cả nước. Bên cạnh đó, Bình Lục cũng tập trung phát triển công nghiệp triển khai thu hút đầu tư khu công nghiệp 500ha đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, bổ sung vào cơ cấu kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội./.
Minh Phúc