Để xây dựng Thái Nguyên giàu mạnh và bền vững

Đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy thế mạnh của từng địa phương

 Đồng chí Lê Quang Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: baothainguyen.vn

Theo đồng chí Lê Quang Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có nhiều lợi thế so sánh với các địa phương khác của vùng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp: Lịch sử phát triển công nghiệp Thái Nguyên từ sớm, nhờ việc khai thác tốt những thế mạnh cùng với những chuyển biến tích cực trong chính sách phát triển, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong những năm qua, ngành công nghiệp tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển mạnh mẽ: Thái Nguyên - một trung tâm công nghiệp của vùng và của cả nước.

Về hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối vùng thủ đô và các tỉnh trong khu vực, có đường sắt Bắc Nam, đường sông có cảng Đa Phúc kết nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và cảng Hải Phòng; là trung tâm đào tạo đứng thứ ba trong cả nước đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật; là trung tâm vùng về y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thái Nguyên có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại và có trữ lượng lớn như than có sản lượng lớn thứ hai trong cả nước; kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thủy ngân và có mỏ có thể khai thác vật liệu xây dựng... Đây là những lợi thế để các nhà đầu tư có thể đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản và sản xuất các loại vật liệu xây dựng.

Để phát huy hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế khi triển khai liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng chí Lê Quang Tiến cho rằng cần tập trung quan tâm đến một số nội dung chủ yếu như:  xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, đầu tư, quản trị, dịch vụ công, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ… phù hợp với mỗi vùng và liên vùng có hiệu quả.

Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư. Khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thu hút đầu tư không có định hướng và bằng mọi giá; xây dựng hệ thống dữ liệu vùng làm cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch vùng, phát triển bền vững kinh tế vùng và các địa phương trong vùng; tổ chức lập quy hoạch vùng, đồng thời phân cấp, phân quyền phối hợp quản lý quy hoạch bảo đảm quy hoạch được quản lý đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo gây lãng phí nguồn lực tài chính… và  tạo sự liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp trong vùng, gắn các khu, cụm công nghiệp với các vùng nguyên, nhiên liệu của từng vùng miền. Tránh tình trạng xây dựng khu công nghiệp không hợp lý gây lãng phí tài nguyên đất.

Hợp tác với các tỉnh trong vùng tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, trong đó ưu tiên đầu tư đường vành đai V đoạn nối với tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc để kết nối đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên với đường Cao tốc Hà Nội - Lào Cai để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng Thủ đô theo quy hoạch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

 Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: baothainguyen.vn

Còn theo đồng chí Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển, cần được khai thác hiệu quả. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm chỉ đạo nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Trong những năm qua, ngành Du lịch Thái Nguyên cũng đã có những bước phát triển quan trọng về hạ tầng, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch, từ đó tạo sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Thống kê cho thấy, năm 2019, tổng lượt khách đến Thái Nguyên ước đạt 2.900.000 lượt, tăng 49.7% so với năm 2015, khách do các công ty lữ hành phục vụ ước đạt 150.000 lượt tăng 47%; tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch ước đạt 430 tỷ đồng tăng 131% so với năm 2015,với các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn đã được quan tâm đầu tư. Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát nghiên cứu các dự án phát triển du lịch (như Doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Trường An, tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T...).

Đồng chí Nguyễn Thị Mai cho biết: Trong những năm tới đây, du lịch Thái Nguyên cần đẩy mạnh tính chuyên nghiệp, đồng bộ hiện đại hơn như: Thành lập dự án Dịch vụ văn hóa, du lịch tại trung tâm T.P Thái Nguyên (theo mô hình tổ chức Chợ đêm) với các hoạt động văn hóa, dịch vụ, quảng bá giới thiệu văn hóa trà và các sản phẩm đặc trưng của địa phương làm điểm nhấn thu hút khách du lịch, giữ chân du khách lưu trú tại Thái Nguyên; nghiên cứu chính sách thúc đẩy “kinh tế ban đêm”. Hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên để có nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tiếp tục tham mưu tổ chức các hoạt động thực hiện Quyết định số 203/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên. Trên cơ sở tiềm năng du lịch hiện có của tỉnh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên (du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc trên cơ sở khai thác cảnh quan, nghỉ dưỡng và thể thao đặc biệt là sân golf; du lịch văn hoá gắn với hoạt động về nguồn, văn hoá tâm linh, di sản văn hoá; du lịch sinh thái với sản phẩm văn hoá Trà, du lịch khám phá vùng cảnh quan Đông Tam Đảo và hang động của Thái Nguyên).

Chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh gắn với lễ hội truyền thống tại các địa phương để phát huy giá trị các di tích lịch sử, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách (Khu tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; các lễ hội: Đình, Đền chùa Cầu Muối, Đền Đuổm, Lồng Tồng, Chùa Hang, Núi Văn - Núi Võ...). Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, trong đó quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu, điểm du lịch cộng đồng; tăng cường đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ cho đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp cao. Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp, khuyến khích đào tạo nghề để chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang dịch vụ; thu hút nhân lực chất lượng cao để nhanh chóng khắc phục yếu kém hiện nay trong ngành du lịch của tỉnh.

Với đặc điểm là tỉnh trung tâm vùng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống, Thái Nguyên là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước; nơi hội tụ, giao thoa của các nền văn hoá với những nét văn hoá đặc sắc trong đời sống của đồng bào các dân tộc; được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp… tạo cho Thái Nguyên một nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.

Xây dựng đội ngũ công nhân lao động và tổ chức Công đoàn tỉnh lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

 Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao đông. Ảnh: baothainguyen.vn

Theo đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao đông tỉnh, Thái Nguyên là một trong 10 địa phương có đông công nhân lao động nhất cả nước. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 214.000 công nhân, viên chức lao động, trong đó có 185.000 đoàn viên đang sinh hoạt tại 1.429 công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động 9 huyện, thành phố, thị xã, 6 Công đoàn ngành và Công đoàn các đơn vị Trung ương trên địa bàn. Số cán bộ công đoàn các cấp từ tỉnh đến cơ sở là 3.940 người. Đội ngũ công nhân viên chức lao động luôn yên tâm công tác, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn phát động.

Xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh Thái Nguyên lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ học vấn và tay nghề cao, có khả năng tiếp nhận và làm chủ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu của tỉnh nhà trong thời gian tới. Phối hợp với các cấp chính quyền nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như những đóng góp của đội ngũ công nhân lao động, đặc biệt là các vấn đề: Việc làm, thu nhập, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hoá - thể thao, cơ sở nuôi dạy trẻ là con của công nhân viên chức lao động trong các khu công nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2025, về cơ bản tất cả công nhân khi vào làm việc cho doanh nghiệp đều được qua đào tạo; có 90% doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế có tổ chức công đoàn ký được thỏa ước lao động tập thể; giảm thiểu số vụ tai nạn lao động và công nhân mắc bệnh nghề nghiệp; người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đều được tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định. Đào tạo cho được đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ kỹ năng và phương pháp hoạt động, am hiểu chính sách pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên sâu sát với cơ sở, tâm huyết với người lao động, dám đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động.

Thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Coi đây là nội dung then chốt để thu hút người lao động tham gia, ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức công đoàn. Nâng cao hiệu quả phương thức đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà đoàn viên, người lao động quan tâm, phương châm là: “Tổ chức những hoạt động mà người lao động cần, chứ không phải các nội dung mà công đoàn có”. Nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng đối tượng, phương thức hoạt động phải linh hoạt, đa dạng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động.

Vai trò của đại biểu dân cử trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tham luận tại Đại hội. Ảnh: baothainguyen.vn

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, HĐND tỉnh đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện và đổi mới phương thức hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Với việc đổi mới phương thức giám sát và thực hiện linh hoạt nhiều hình thức giám sát, đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy được năng lực, sở trường của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh đã thực hiện 55 cuộc giám sát chuyên đề. Kế thừa, phát huy và rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của các nhiệm kỳ trước, để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, đây là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND tỉnh thảo luận và ban hành 7 nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện.

Để Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX sớm đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đoàn HĐND tỉnh tin tưởng, mỗi đại biểu HĐND tỉnh có đủ bản lĩnh, ý chí và năng lực để phát huy vai trò dân chủ đại diện của mình, góp phần thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong tình hình mới./.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác