|
Nhân viên khách sạn nhập vai xử lý tình huống trong đón tiếp khách.
|
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, công suất phòng tại các khách sạn giảm hơn 90%. Thế nhưng, thay vì giảm bớt nhân lực, phân ca trực để giảm chi phí, nhiều khách sạn vẫn giữ nguyên bộ máy và tập trung cho công tác đào tạo nhằm nâng tính chuyên nghiệp và chất lượng nhân lực tương ứng với loại hạng sao, làm hài lòng và giữ chân khách.
Tại cuộc họp về công tác đào tạo nhân lực du lịch diễn ra cuối tháng 4, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu nhân lực du lịch trong giai đoạn mới, không chỉ đáp ứng được nhu cầu phục hồi ngành du lịch, mà phải được nâng cao chất lượng hơn. Làm sao đó khi khách đến sẽ thấy được nét riêng của BR-VT qua đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên du lịch, tài xế, người dân tham gia làm du lịch. Ông Lê Ngọc Khánh yêu cầu ngành du lịch cần chú trọng trang bị nhiều hơn nữa các kỹ năng “đối đầu” với các sự cố trong du lịch, dịch bệnh cho DN, lao động trong ngành.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nhìn thấy rõ vấn đề này, từ năm 2020, Sở Du lịch đã đón đầu bằng việc mở các lớp học ngắn hạn bồi dưỡng văn hóa giao tiếp ứng xử trong du lịch, hướng dẫn viên du lịch tại điểm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá du lịch trên không gian số. Sở Du lịch cũng đã xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 38.000 lao động trong ngành du lịch; năm 2030 là 46.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch đạt từ 80-100%. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp; chú trọng hình thành lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao.
Bà Hiền cho biết thêm, để thực hiện nhiệm vụ “kép” trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với HHDL và các trường nghề gắn nội dung đào tạo với thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo theo nhu cầu của DN, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng./.
Minh Hương