Đẩy mạnh phong trào thi đua, hướng đến xây dựng Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển

Các phong trào thi đua góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong 5 năm (2015-2020), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tổ chức tốt các phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, công chức viên chức và người lao động trong toàn tỉnh. Đặc biệt, với phong trào thi đua trên lĩnh vực kinh tế đã góp phần giúp địa phương đạt được nhiều thành quả tích cực.

Thực tế, trong 5 năm (2015-2020), các phong trào thi đua như: “Giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”,… đã được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, công nhân lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

12

Một cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: T.T)

Qua thực hiện các phong trào thi đua đã góp phần giúp kinh tế của địa phương tiếp tục phát triển, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,1%/năm. Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, riêng năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 104,68 triệu đồng/người.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, hoạt động các phong trào triển khai trong các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của tỉnh trên thị trường.

Riêng các phong trào thi đua trong phát triển dịch vụ đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc, Chi nhánh Viettel Vĩnh Phúc,… Từ đây, góp phần giúp các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định với chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá. Tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,21%/năm.

Đặc biệt, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, đã góp phần giúp môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Đồng thời, góp phần giúp tỉnh Vĩnh Phúc đạt được kết quả cao trong thu hút đầu tư.

Tính trong 5 năm 2015-2020, Vĩnh Phúc đã thu hút được 2,86 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và trên 56,27 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Công tác vận động thu hút các dự án ODA đạt kết quả quan trọng, cụ thể: Thu hút 5 dự án mới sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, với tổng mức đầu tư trên 258 triệu USD, tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng, xử lý và quản lý nguồn nước trên địa bàn.

Hướng đến xây dựng Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt các phong trào thi đua trên lĩnh vực kinh tế để hướng đến xây dựng Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn của tỉnh tăng 9,5-10%/năm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 13-13,5%/năm; dịch vụ tăng 8,1 - 8,8%/năm; nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,5 - 2%/năm.

Để đạt được mục tiêu, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hiệp lực, người người thi đua, ngành ngành thi đua. Chú trọng phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, nhằm không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đáng chú ý, địa phương sẽ đẩy mạnh thi đua thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ. Xác định việc phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập nhiều tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ làm nòng cốt trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn.

Đi cùng với những công tác trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để thúc đẩy hơn nữa phòng trào thi đua trên lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh, địa phương sẽ phổ biến những kinh nghiệm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt và các mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua để nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan toả rộng khắp. Chú trọng đầu tư việc xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, nhất là các phong trào thi đua của tỉnh phát động như: “Phong trào xây dựng nông thôn mới”; Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Vĩnh Phúc hội nhập và phát triển”,… Tập trung phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, ổn định kinh tế vĩ mô./.

Phản hồi

Các tin khác