|
Với nhiều thành tích xuất sắc trong thời gian qua, Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT) đã vinh dự Huân chương lao động hạng Ba tại Đại hội Thi đua yêu nước của Tổng cục. (Ảnh: TL)
|
Theo ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Tuyên truyền (Bộ TN&MT): Trong các năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Ngành giai đoạn 2016 – 2020 luôn là động lực thúc đẩy, khích lệ động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hăng hái thi đua, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao ở mỗi cơ quan đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua các phong trào thi đua, ngành TN&MT đã đạt được những kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực quản lý của ngành.
Có thể kể đến là, trong lĩnh vực môi trường, Tổng cục Môi trường tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi trường; triển khai đồng bộ, hiệu quả các công cụ quản lý, giải pháp chính sách nhằm tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Đã có hàng trăm dự án được thẩm định, đánh giá các yêu cầu bảo vệ môi trường; trong đó hầu hết các dự án được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, đề xuất không cấp phép đầu tư nhiều dự án vì không đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Về lĩnh vực khí tượng thủy văn (KTTV), Tổng cục KTTV đã tập trung các nguồn lực để tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTV và đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Phối hợp với các đơn vị chức năng, liên quan xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật KTTV, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Đây là Luật chuyên ngành đầu tiên của Ngành KTTV, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác KTTV cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động quan trắc, dự báo, thông tin KTTV phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Phong trào thi đua “Theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm, phát hiện và đưa tin cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng KTTV nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng” đã được phát động rộng khắp trong toàn Tổng cục, từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đến 9 Đài KTTV khu vực, 54 Đài KTTV tỉnh, kết quả đem lại là chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn ngày một nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả vào công tác dự báo, cảnh báo KTTV….
Về lĩnh vực tài nguyên nước, phong trào thi đua của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của Ngành, đó là bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, bền vững và hiệu quả cao, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn và sự suy giảm nguồn nước trong những năm tới.
Đối với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2020 nhờ đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng Cục đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 57 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ gồm: Luật đo đạc bản đồ, 3 Nghị định và 53 Thông tư.
Bên cạnh đó, Cục đã tập trung chỉ đạo, xây dựng và triển khai nhiều dự án, đề án; hoàn thành xây dựng hệ thống địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hoàn thành “Xây dựng mạng lưới định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam”…
Tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025, ông Vũ Minh Sơn cũng cho biết: Toàn ngành sẽ tập trung đổi mới, tạo đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện trình Luật sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; tổng kết, đánh giá thi hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thuỷ văn, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...
Cùng với đó là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai: quản lý chặt việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nghiên cứu sửa đổi quy định, quy chuẩn bảo vệ môi trường phù hợp chuẩn mực khu vực và quốc tế, kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; tăng cường năng lực và làm tốt công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo cảnh báo sớm và đủ độ chi tiết các hiện tượng thời tiết cực đoan…
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua cũng sẽ tập trung vào việc ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện hình thức đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm…
Thiết thực chuẩn bị chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành TN&MT sắp tới, ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Tuyên truyền (Bộ TN&MT) cho biết: Đại hội lần này sẽ đánh giá kết quả tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan đơn vị và của toàn ngành giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, cũng như các giải pháp, đảm bảo sự thành công, hiệu quả của giai đoạn tiếp theo 2021-2025.
Đại hội cũng sẽ tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu của các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục cổ vũ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần thi đua, yêu ngành yêu nghề của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công tác, học tập, lao động sản xuất vì sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường, vì sự phát triển bền vững của đất nước./.
Bích Liên