|
|
Bộ trưởng BộTài chính Đinh Tiến
Dũng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài
chính lần thứ V, giai đoạn 2021 - 2025 |
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng
định, nhờ dư địa tài khóa tích lũy được trong quá trình cơ cấu lại
ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2019, nên năm 2020 đối diện
nhiều khó khăn vẫn cân đối được đủ nguồn lực để triển khai giải pháp
hỗ trợ doanh nghiệp người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, thực
hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 10 năm 2020, đã
thực hiện miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, giảm tiền thuê
đất gần 100 nghìn tỷ đồng cho 128.619 DN và 56.268 hộ, cá nhân kinh
doanh; đã chi khoảng 17,8 nghìn tỷ đồng cho mua sắm vật tư, thiết bị
y tế, thực hiện chế độ đặc thù cho các lực lượng y tế, quân đội,
công an tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho gần 12,8
triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19…
Tổng thu NSNN 5 năm đạt khoảng 6,7 triệu tỷ đồng, gấp 1,58 lần so
với giai đoạn 2011-2015; bình quân đạt khoảng 24,5% GDP (giai đoạn
2011-2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu đề ra là 23,5% GDP. Tỷ lệ thu
từ thuế, phí khoảng 20,4%GDP... Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích
cực, đến năm 2020, tỷ trọng thu nội địa dự kiến đạt trên 84% tổng
thu NSNN, đạt kế hoạch đề ra là 84-85%; tính chung cả giai đoạn
2016-2020, tỷ trọng thu nội địa khoảng 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là
68,7%), tỷ trọng thu cân đối xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh,
bình quân khoảng 17,8% (giai đoạn 2011-2015 là 30%).
Ngành Tài chính đã có nhiều đổi mới trong quản lý chi ngân sách,
triển khai kế hoạch tài chính trung hạn; đẩy mạnh khoán chi, đấu
thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ; thực hiện cơ
chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn; siết chặt kỷ luật
tài chính – ngân sách...
Tổng chi NSNN 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng, bình
quân khoảng 27,5% GDP, trong phạm vi thu và giảm dần mức bội chi
NSNN (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP).
Bộ Tài chính đã góp phần bước đầu cơ cấu lại chi NSNN theo đúng yêu
cầu của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội,
trong đó ưu tiên nguồn lực tăng chi đầu tư ngay từ khâu dự toán; tỷ
trọng chi đầu tư phát triển thực hiện đạt 27-28% tổng chi NSNN (mục
tiêu là 25-26%); giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên xuống mức
64% năm 2020…
Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, bình quân các năm
2016-2019 ở mức 3,5%GDP, trong đó, các năm 2017-2019 bội chi còn
2,95% GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP. Năm
2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, dự kiến bội chi
NSNN bằng 4,99% GDP. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bội chi
khoảng 3,8% GDP, đạt mục tiêu dưới 3,9% GDP theo Nghị quyết 25 của
Quốc hội.
Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, Ngành Tài chính vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều
phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí
Minh.
“Những thành tích đạt được của Ngành Tài chính trong giai đoạn 5 năm
vừa qua là “những bông hoa đẹp” trong các phong trào thi đua yêu
nước, góp phần viết tiếp trang sử mới, tô thắm thêm truyền thống
của ngành Tài chính”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
|
|
Thay mặt Chính phủ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
trao đã Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ngành Tài
chính |
Tại Đại hội này, Ngành Tài chính vinh dự được đón nhận Huân chương
Độc lập hạng Nhất; các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được tặng Huân
chương Chiến công, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý
khác.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
đánh giá, những thành tích Ngành Tài chính từ khi thành lập đã có
nhiều cách làm sáng tạo để tạo ra của cải và ngân sách phục vụ sự
nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc gian khổ mà anh hùng. Ngành tài
chính đã góp phần tích cực cùng cả nước làm nên những trang sử vẻ
vang của dân tộc trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh giành độc lập
dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt trong hành trình 30 năm đổi mới, chứng kiến những sự đổi
thay lớn lao của đất nước, thế và lực của ta đã mạnh hơn nhiều,
trong đó có sự đóng góp của ngành tài chính, như Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đất nước ta chưa bao giờ có
được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
“Chúng ta giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, những chỉ số vĩ
mô quan trọng nhất của đất nước đến thời điểm này chúng ta giữ được,
ngày càng tốt hơn, nhất là chỉ tiêu lạm phát”, Thủ tướng nói.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo
tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V,
giai đoạn 2021 - 2025 |
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động và
gặp nhiều khó khăn, thách thức, một lần nữa Thủ tướng đánh giá cao
Ngành Tài chính đã nỗ lực thi đua vượt khó, không ngừng phấn đấu với
quyết tâm cao, cơ bản đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu tài chính,
NSNN đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020.
Với những phong trào thi đua thiết thực và thành tích nổi bật trong
điều kiện gặp nhiều thách thức, Ngành Tài chính tiếp tục là minh
chứng sống động cho lời dặn của Bác Hồ về thi đua yêu nước, “càng
khó khăn thì chúng ta càng phải thi đua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng đạt được kết quả nổi bật Thủ tướng
vẫn thẳng thắn đánh giá Ngành Tài chính vẫn còn những hạn chế, bất
cập. Một số cơ chế chính sách chậm được sửa đổi hoặc ban hành chưa
kịp thời. Trong đó gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng lớn bởi
đại dịch COVID-19 vừa qua chậm được triển khai. “Cũng có một
nguyên nhân do các đồng chí đề nghị quy định về tài chính quá chặt
chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn”.
Vì vậy, Thủ tướng bày tỏ mong muốn toàn Ngành Tài chính cần tiếp tục
rà soát, chấn chỉnh tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ, đẩy mạnh
các phong trào thi đua yêu nước.
Thủ tướng cho rằng, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc 2020 và bước vào
năm hai 2021, năm đầu của thời kỳ chiến lược 10 năm 2021-2030, kế
hoạch 5 năm 2021-2025, cùng với cả nước, Ngành Tài chính có nhiều cơ
hội, tiềm năng cho phát triển nhưng bối cảnh quốc tế, trong nước
thời gian tới cũng đặt ra những khó khăn, thách thức lớn, trong đó
có nhiều yếu tố diễn biến thất thường, chưa có tiền lệ, nhất là các
vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh, biến đổi khí
hậu, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong khi đó, dự báo
tình hình thế giới, khu vực phức tạp, khó lường. Riêng đại dịch
COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng, quay lại nhiều vòng ở các nước,
gây ra suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất. Tình trạng
nhiều lĩnh vực ngưng trệ có thể kéo dài qua năm 2021 và những năm
đầu của thập kỷ tới.
Vì vậy theo Thủ tướng, tư duy chiến lược của Ngành Tài chính là phải
thể hiện tầm nhìn vĩ mô, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi
ích chung của đất nước, vì quốc gia, dân tộc, như nhiều lần Thủ
tướng đã nói, tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách nhà
nước, là giữ tiền mà tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền
hiệu quả và làm tiền đẻ ra tiền. Tài chính là kinh tế, là nguồn lực
và tiềm lực của đất nước, không chỉ đã có, đang có mà sẽ có. Tài
chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng đề nghị Ngành Tài chính tập trung nghiên cứu, sớm đề xuất
với Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu,
nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo vai trò chủ
đạo của ngân sách Trung ương theo đúng tinh thần Hiến pháp và các
nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Phấn đấu đưa tỷ trọng thu ngân sách trung ương lên trên 60% tổng thu
NSNN và tăng tỷ lệ chi NSNN, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, dành
nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Hưởng ứng lễ phát động chương trình “cả nước chung tay vì người
nghèo” và chia sẻ với đồng bào miền Trung bị lũ lụt; cán bộ, công
chức, viên chức Ngành Tài chính đã trao gửi qua Ủy ban TW mặt trận
tổ quốc Việt Nam, 5 tỉnh miền Trung và gia đình 13 cán bộ, sĩ quan,
chiến sĩ hi sinh khi đi tìm kiếm cứu nạn, với tổng số tiền là 10 tỷ
550 triệu đồng. Tại Đại hội hôm nay, cán bộ công chức, viên chức
ngành Tài chính tiếp tục quyên góp ủng hộ, hỗ trợ đồng bào miền
Trung bị thiệt hại do mưa lũ nhằm chia sẻ khó khăn với bà con vùng
lũ qua Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam với tổng số tiền là 1 tỷ
đồng.