|
Ảnh minh họa (Nguồn: Thanh Tâm)
|
Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra một số chỉ tiêu từ nay đến năm 2025, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,5-8%; trong cơ cấu kinh tế năm 2025, dịch vụ chiếm 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%...Đặc biệt, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3,1-3,2 triệu tỷ đồng; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7-7,5%.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Trên cơ sở các mục tiêu đã đề ra, chúng tôi xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, tìm giải pháp đồng bộ, hiệu quả để hoàn thành với mức độ cao nhất.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Trong đó, các mục tiêu, chính sách về an sinh xã hội rất đúng và trúng, phù hợp với xu hướng phát triển.
Cụ thể, đến năm 2025, toàn thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 đến 80%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 đến 60%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở nước dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Đảng bộ thành phố định hướng các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đơn vị chức năng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô…
Đặc biệt, để phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và đối tượng chính sách khác.
Cùng với đó, toàn ngành đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp kịp thời các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để người nào bị ở lại phía sau trên hành trình phát triển.
Thực hiện chương trình công tác của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2022-2025”, Đảng bộ quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội đã xác định rõ 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Nâng cao năng lực quản lý xã hội, quản lý đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận” và “Đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, các trục đường theo quy hoạch”.
Về hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị và xã hội tuy đã được tập trung đầu tư phát triển nhưng chưa theo kịp tốc độ dân số cơ học tăng nhanh do các khu đô thị mới, chung cư cao tầng phát triển mạnh. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu đặt ra là xây dựng quận văn minh, từng bước hiện đại, phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa nhanh, Đảng bộ quận Thanh Xuân sẽ tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn với phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.
Quận ủy Thanh Xuân cũng xây dựng và ban hành chương trình công tác toàn khóa về “Phát triển kinh tế; đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch giai đoạn 2020-2025, hướng tới năm 2035” và đề án về “Nâng cao năng lực quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng giai đoạn 2020-2025”.
Để làm tốt các khâu đột phá, quận cũng xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ then chốt, vì thế, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các quy định hành chính để nhân dân giám sát. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo quản lý, chỉ đạo điều hành và rút ngắn quy trình, nâng cao chất lượng giải quyết công việc của các phòng, ban, đơn vị chuyên môn đối với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ là động lực lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nói chung và huyện Thường Tín nói riêng phấn đấu để đạt được những thành tựu cao hơn nữa, thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý, đối với các huyện ngoại thành nói chung và Thường Tín nói riêng, việc triển khai chương trình 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là động lực để nông thôn Hà Nội ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao; mỗi làng quê, làng nghề đều là nơi đáng sống.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra; trong đó, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch (3 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm). Trên cơ sở kết quả đạt được, chúng tôi xác định tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, phát huy vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Trong những năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ đô là một trong những điểm sáng. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Thường Tín xác định nỗ lực duy trì kết quả đạt được, thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển nhanh, bền vững; đồng thời góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thanh Tâm