Hà Nam vững bước phát triển
Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam - Ảnh: Báo Hà Nam

Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam - Ảnh: Báo Hà Nam

Với những giải pháp đồng bộ, toàn diện, tỉnh Hà Nam đã và đang phát huy tốt tiềm năng lợi thế là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, đồng thời có những đột phá, quyết liệt, đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo để sánh bước với các tỉnh trong khu vực. Theo đó, Hà Nam đã tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển chuỗi liên kết giá trị trong tất các các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; các cơ chế, chính sách chuyển đổi cây trồng, tích tụ ruộng đất, phát triển các Hợp tác xã, các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng, nâng cao chất lượng, giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tập trung các giải pháp có hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân, giảm dần sự cách biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn. Năm 2020, cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng đạt 63%, dịch vụ 27,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,6 triệu đồng. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt 38.337 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 23, 6% /năm. Thu ngân sách năm 2020 ước đạt 10.000 tỷ đồng, gấp hơn 62 lần năm 1997.

Đặc biệt, tỉnh Hà Nam cũng chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ công nghiệp sạch, thu hút nhà đầu tư lớn có giá trị gia tăng cao vào đầu tư phát triển. Quan tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng khu du lịch Tam Chúc. Thực hiện tốt quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, khu đô thị vệ tinh, khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng. Đặc biệt chú trọng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại gắn với nông thôn mới bền vững. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành công nghiệp của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 470 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 14,4%/năm. Hà Nam luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong tổng số gần 500 dự án thu hút đầu tư từ đầu năm 2016 đến nay, có 162 dự án có vốn đầu tư nước ngoài; nhiều dự án lớn có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Một góc Khu công nghiệp Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Trương Dũng).

Một góc Khu công nghiệp Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Trương Dũng).

Vững bước trên con đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Nam chú trọng thực hiện với những việc làm cụ thể và thiết thực để hỗ trợ về mặt vật chất, cũng như tinh thần cho các gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước; thường xuyên chăm lo, động viên, tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Hoạt động này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của chính quyền địa phương và nhân dân Hà Nam đối với các các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công; qua đó, giúp các đối tượng giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương, đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Hà Nam đã chuyển quà của Chủ tịch nước tặng cho 28.760 người có công với số tiền gần 6 tỷ đồng, quà của UBND tỉnh tặng trị giá hơn 18 tỷ đồng; quà của UBND các huyện, thị xã, thành phố tặng người có công là 757,3 triệu đồng; quà của UBND các xã, thị trấn là 957,9 triệu đồng; quà từ các hội, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tặng cho người nghèo, người có công và các đối tượng khác với tổng số tiền 15,449 tỷ đồng. Riêng dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – liệt sĩ, Hà Nam đã chuyển quà tặng của Chủ tịch nước cho 28.382 người có công với số tiền 5,835 tỷ đồng, quà của tỉnh tặng cho 28.988 người có công với trị giá hơn 17,565 tỷ đồng…

Được biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đến năm 2025, có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, tự cân đối ngân sách, GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước và đặt mục tiêu đến năm 2035, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững...

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam xác định thực hiện tốt 3 khâu đột phá: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Trong đó, trọng tâm là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Cải thiện hiệu quả chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh./.

Phản hồi

Các tin khác