Ngành Hải quan quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thu ngân sách

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách toàn diện

Thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành Hải quan, song bám sát các yêu cầu chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã lãnh đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Cụ thể, trên cơ sở các nghị quyết: Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước băm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021; Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa bằng các giải pháp, mục tiêu cụ thể về nhiệm vụ thu ngân sách qua Nghị quyết số 01-NQ/ĐU về việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo đó, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan xác định rõ, năm 2021, ngành Hải quan sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong thời kỳ phát triển của cách mạng công nghệ.

Cùng với đó, Đảng ủy cơ quan phối hợp với Ban Lãnh đạo tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành (KTCN); Kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công tại các nghị quyết của Chính phủ; Tổ chức triển khai Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Triển khai có hiệu quả, chất lượng Quyết định số 38/QĐ-TTg (ngày 12/1/2021) về việc phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật, đảm bảo từng công chức thừa hành nắm chắc quy định của pháp luật; tích cực trực tiếp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các quy định chính sách pháp luật, thông tin chính thống, đúng đắn, khách quan, đa chiều về hoạt động nghiệp vụ hải quan, tăng cường tự nguyện tuân thủ pháp luật. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ năm 2021 đạt kết quả cao.

Bên cạnh việc quyết liệt chỉ đạo triển khai các nội dung trên, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo dự toán đã được giao. Trong đó, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, đưa ra các giải pháp thu hồi nợ phù hợp, đôn đốc, theo dõi từng tháng, quý tình hình thu hồi và xử lý nợ thuế; có các biện pháp quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ thuế mới. Rà soát, chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường công tác kiểm tra trị giá, công tác phân loại, xác định mã số và áp dụng mức thuế, kiểm tra công tác miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, không để phát sinh khiếu nại khiếu kiện và nợ thuế. Sửa đổi quy trình kiểm tra sau thông quan theo hướng cải cách, sơ đồ hóa, lượng hóa và chỉ rõ mục đích của từng bước; tập trung xây dựng kế hoạch định hướng theo 4 lĩnh vực lớn: mã số, trị giá, chính sách thương mại bao gồm hàng miễn thuế và các Hiệp định thương mại tự do, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất.

Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt các phương tiện chở hàng hóa qua địa bàn nhằm phát hiện các gian lận có thể xảy ra.

Thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu có rủi ro về giá kèm theo các mức giá tham chiếu phù hợp với sự biến động giá thực tế để làm cơ sở so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá hải quan. Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa đảm bảo một mặt hàng chỉ có một mã số hàng hóa. Nghiên cứu, đề xuất yêu cầu giải pháp công nghệ trong công tác phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong địa bàn hải quan theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy chế phối hợp; nâng cao hiệu quả công tác thu thập, trao đổi, xử lý thông tin với các tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Tín hiệu tích cực từ thu ngân sách

Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu đạt 315.000 tỷ đồng và Bộ Tài chính giao nhiệm vụ phấn đấu tăng thu 5% so với dự toán. Đây là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng cơ quan, tinh thần quyết tâm cao, ngay từ đầu năm, ngành Hải quan đã triển khai quyết liệt, đồng bộ kế hoạch hành động cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ ngày 4/1/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính. Trong 2 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 95,81 tỉ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 48,55 tỉ USD, tăng 23,2%, tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 47,26 tỉ USD, tăng 25,9%.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, mặc dù dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, tuy nhiên, tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát tốt, dẫn đến số thu 2 tháng đầu năm 2021 tăng.

Phản hồi

Các tin khác