Nông dân thi đua làm giàu chính đáng
Một vườn trồng cam theo hướng VietGAP của Vĩnh Phúc (Ảnh: Duy Minh)

Vĩnh Phúc là một trong những xã của huyện Bắc Quang nằm trong vùng quy hoạch sản xuất cam theo hướng VietGAP của tỉnh Hà Giang. Tổng diện tích đất tự nhiên 3.895,61ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 1.196,5ha, đất lâm nghiệp 2.092,22ha, còn lại là đất khác. Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với phát triển trồng cây ăn quả có múi như bưởi, cam, quýt… tổng diện tích trồng cam toàn xã là 1.140,6 ha gồm cam vàng và cam sành, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 12.441 tấn/năm, doanh thu đạt trên 99 tỷ đồng/năm, đóng góp không nhỏ vào kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế, công tác xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, do vậy hiệu quả kinh tế thu được chưa cao.

Giúp nông dân “cần câu”

Theo ông Hoàng Cao Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phúc, tháng 1 năm 2018 Hội Nông dân xã Vĩnh Phúc được vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương (HTND) để thực hiện mô hình dự án “Chăm sóc cây cam theo hướng VietGAP” tại các chi hội thôn Vĩnh Xuân, Vĩnh Chúa, Vĩnh Gia. Nguồn vốn được giải ngân cho 12 hộ vay đầu tư chăm sóc diện tích 12,8 ha với khoảng 5.200 cây cam đang cho thu hoạch ổn định. Trước khi giải ngân, Hội Nông dân xã phối hợp với Quỹ HTND tỉnh, huyện mời các cơ quan chức năng đến tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP cho các hộ vay. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc đầu tư sử dụng vốn của hộ trong quá trình vay vốn. Hằng quý, thông qua các cuộc sinh hoạt nhóm vay vốn, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã giới thiệu hướng dẫn tài liệu khoa học kỹ thuật mới cho hộ vay áp dụng vào sản xuất; tư vấn hỗ trợ hội viên, nông dân các thủ tục quy trình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn việc đăng ký thương hiệu, tem nhãn mác sản phẩm khi các hộ nông dân có nhu cầu.

Xác định mục tiêu mô hình dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm cho nông dân, củng cố xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đầu tư thâm canh, sản xuất an toàn theo hướng VietGAP.

Đi đầu là các hộ thành viên vay vốn thực hiện dự án cam kết hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng phân bón kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân bón vi sinh và các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu bằng sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, an toàn cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường, nguồn đất, nguồn nước phục vụ canh tác. Từng bước chuyển dịch xuất cây cam theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Các thành viên cũng cam kết thống nhất quy trình thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng và đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm của các vườn cây, các thành viên đều có trách nhiệm tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp theo sự chỉ đạo của Tổ trưởng vay vốn.

Đòn bẩy giúp nông dân làm giàu chính đáng

Kết quả, sau 3 năm thực hiện mô hình dự án, đến nay năng suất, chất lượng sản phẩm đã được nâng lên, hầu hết các hộ vay vốn thực hiện dự án đã có mức thu nhập khá, điển hình như gia đình bà Lê Thị Lan, bà Hà Thị Lập, ông Nguyễn Văn Hảo, ông Đỗ Văn Phương…đã xây dựng được thương hiệu, sản phẩm có chất lượng, có thị trường khách hàng tiêu thụ ổn định; mức thu nhập bình quân đã trừ chi phí hàng năm đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với trước khi tham gia dự án. Ngoài ra, các hộ còn tạo việc làm ổn định cho từ 5-8 lao động với mức lương từ 3-4,5 triệu/người/tháng.

Dự án thực hiện đã làm thay đổi cơ bản về nhận thức của hội viên, nông dân từ làm ăn riêng lẻ sang liên hợp tác. Giai đoạn từ năm 2018 - 2020, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập được 2 Chi Hội nông dân nghề nghiệp; 2 Tổ Hội nông dân nghề nghiệp; 4 Tổ hợp tác và 2 Hợp tác xã sản xuất cam an toàn (VietGAP), với 34 hộ thành viên, hiện nay đang duy trì hoạt động tốt, sản phẩm của Hợp tác xã đã vào được các siêu thị tại Hà Nội một số các tỉnh khác.

Thông qua hoạt động cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện mô hình dự án, các hoạt động phong trào của Hội cũng không ngừng được đẩy mạnh và phát triển, nhất là phong trào “Nông dân thi đua xuất kinh doanh giỏi”, “Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”…Nếu như năm 2018, toàn xã có 105 hộ dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thì đến năm 2020 đã tăng lên 164 hộ. Hàng năm, đã tập hợp thu hút thêm từ 20-25 hội viên nông dân mới tham gia vào tổ chức Hội. Qua đó có thể khẳng định rằng Quỹ Hỗ trợ nông dân thực sự là đòn bẩy quan trọng giúp nông dân phát triển kinh tế, đồng thời góp phần để xây dựng tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh.

Từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nên các hàng hóa, nông sản của người nông dân xuất ra gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ, sản xuất thua lỗ do giá bán thấp hơn giá thành. Tuy nhiên, xác định cây cam là cây trồng chủ lực giá trị kinh tế cao, do đó các hội viên vẫn tiếp tục duy trì sản xuất. Mong muốn của hội viên nông dân nói chung, Hội Nông dân xã Vĩnh Phúc nói riêng tiếp tục đề nghị Hội Nông dân cấp trên tiếp tục quan tâm phân bổ thêm nguồn vốn để Hội Nông dân xã triển khai cho vay hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất để vượt qua khó khăn, thách thức đến từ đại dịch COVID-19; đồng thời xây dựng các mô hình chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023.

Phản hồi

Các tin khác