Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao
Uy tín Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế (Ảnh tư liệu)

Ngày 26/01/2021, phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”.

Sau 35 năm đổi mới, uy tín quốc tế của nước ta trên tất cả các lĩnh vực được nâng lên đáng kể.

Trước đổi mới, khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta diễn ra rất gay gắt. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 1986 lên tới 774,7%.

Để có tiềm lực vật chất, Đảng ta xác định phải đổi mới kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội luôn được Đảng ta xác định là một trong những trụ cột để phát triển đất nước. Đến nay, kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt những thành tựu đáng tự hào.

Là nước nông nghiệp, từ thiếu gạo, Việt Nam đã vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Đặc biệt, gạo ST25 của Việt Nam đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị thương mại gạo thế giới, tổ chức tại Philippines.

Ngày 17/12/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam”. Năm 2020, trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái với mức tăng trưởng - 4%, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91% và là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN. WB đánh giá Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Tổ chức này cũng cho rằng kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới.

Tạp chí The Economist đánh giá Việt Nam lọt tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 do Brand Finance - hãng định giá thương hiệu Anh cho rằng, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã trở thành “anh hùng” trong mắt bạn bè thế giới với những chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời, quyết liệt. Ngoài thành công trong công tác phòng, chống dịch trong nước, bảo hộ người Việt ở nước ngoài, Việt Nam còn hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và đối tác quốc tế. Việt Nam cũng đề xuất và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết chọn ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều báo chí, nguyên thủ các quốc gia ghi nhận đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Điển hình như: Courthouse New Service của Mỹ đánh giá Việt Nam là “vô địch thế giới không có đối thủ cạnh tranh” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”. Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng”...

Tuy còn ở mức thu nhập trung bình thấp nhưng nhiều chỉ số về xã hội của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Báo cáo World Happiness Report 2019 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã xếp hạng chỉ số hạnh phúc của 156 quốc gia chỉ rõ, năm 2018, Việt Nam xếp thứ  95/156; năm 2019 xếp thứ 94/156; năm 2020 xếp thứ  83/156, so với năm 2019 tăng 11 bậc.

Theo báo cáo HSBC Expat 2019 được HSBC công bố, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào tốp 10 quốc gia tốt nhất cho những người nước ngoài sống và làm việc. UNDP cũng đánh giá Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới, đồng thời, đánh giá Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015, trong đó, hoàn thành trước thời hạn 5/8 mục tiêu. Tiêu biểu nhất là tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm dần từ 70% (năm 1990); 20,3%  (cuối năm 1995); 19,2% (năm 1996); 9,45% (năm 2010); 3,75% (năm 2019) và 2,75% (năm 2020).

Thủ đô Hà Nội rợp cờ trong dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai 2019 (Ảnh tư liệu)

Thủ đô Hà Nội rợp cờ trong dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai năm 2019 (Ảnh tư liệu)

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam cũng ghi điểm trong nhiều đấu trường khu vực và quốc tế. Đến năm 2020, đã có 3 trường đại học, (gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM) được xếp vào nhóm 500 trường hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi do Times Higher Education (THE) công bố. Trong nhóm 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của THE công bố ngày 22/4/2020, có Đại học Tôn Đức Thắng đại diện của Việt Nam. Việt Nam từng giành nhiều thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế, điển hình kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO), năm 2017 xếp thứ 3/112; năm 2019 xếp thứ  7/110; năm 2020 xếp thứ 17/105 quốc gia dự thi.

Trong lĩnh vực thể thao, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giữ thứ hạng 35 thế giới, vị trí số 1 Đông Nam Á. Tại SEA Games 30, Việt Nam xếp thứ 2/11 nước; cả 2 đội tuyển bóng đá Việt Nam đều giành Huy chương Vàng.

Việt Nam đã có bước đổi mới về tư duy và hành động trong công tác đối ngoại. Việt Nam đã và đang phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hoà giải” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Đến hết năm 2020, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ bình thường với tất cả nước lớn, các Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Số đối tác chiến lược của Việt Nam là 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Năm 2020 Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam - Anh, đang đàm phán hai FTA. Việt Nam tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Việt Nam đã gia nhập ASEAN năm 1995; ASEM năm 1996; APEC năm 1998; WTO năm 2007; CPTPP năm 2018. Đã đăng cai thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017; hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai năm 2019.

Việt Nam là một thành viên tích cực của hầu hết các văn kiện cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc và đã được bầu là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tiếp tục ứng cử và đã được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, nhiệm kỳ 2020 - 2021 (nhiệm kỳ 2020-  2021 đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu). Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020. Trong đó Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Đã thông qua hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Nhân dịp diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều đảng, tổ chức quốc tế và khu vực, tổ chức hữu nghị, Đoàn ngoại giao các quốc gia đã gửi điện mừng, đánh giá cao vai trò của Đảng ta.

Điện mừng của Đảng Cộng sản Liên bang Nga nêu rõ: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước vững bước đi theo con đường sáng tạo, đạt được những thành tựu rực rỡ, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới và đạt được uy tín cao trên trường quốc tế”.

Điện mừng của Đảng Cộng sản Ấn Độ nhấn mạnh rằng “Việt Nam đã trở thành một trong những nước đang phát triển về mọi mặt”.

Điện mừng của Đảng Cộng sản Anh khẳng định: “Những người cộng sản Anh luôn ghi nhớ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đất nước các bạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chuyển mình cả về kinh tế và xã hội để trở thành một lực lượng quan trọng trên trường quốc tế. Sự hỗ trợ của Việt Nam dành cho các nước và các Đảng Cộng sản, anh em trên thế giới đã thể hiện truyền thống tốt đẹp nhất của tinh thần đoàn kết quốc tế”.

Điện mừng của Đảng Cộng sản Canada cho rằng, “những tiến bộ về kinh tế, xã hội và chính trị của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nguồn cảm hứng đối với những người Cộng sản và Nhân dân tiến bộ Canada”.

Điện mừng của Đảng Cộng sản Mỹ viết “Tinh thần quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam đã không giới hạn trong khuôn khổ khu vực mà vươn ra khắp toàn cầu. Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong năm 2020, Việt Nam là tiếng nói của ổn định và hòa bình trên thế giới”.

Điện mừng của Đảng Xã hội Argentina ghi “Hơn bao giờ hết, Việt Nam tiếp tục là ngọn hải đăng soi sáng cho cuộc đấu tranh vì bình đẳng, các quyền phổ quát, hòa bình và công lý trên thế giới”…

Uy tín quốc tế của Việt Nam sau 35 năm đổi mới là thành quả quý báu, được xây đắp bởi các thế hệ cha anh mà chúng ta phải trân trọng, giữ gìn, phát huy. Tiếp tục nâng cao uy tín quốc tế cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

Phản hồi

Các tin khác