(ĐHXIII) - Là một tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với tỉ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm 91,7% trong GRDP (cao nhất cả nước); nông nghiệp còn lại chỉ hơn 7% nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nền tảng vững chắc để xây dựng Đồng Nai cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sản xuất nấm sạch ở TP Long Khánh - Đồng Nai. (Ảnh: K.V)
"Đánh thức" những vùng quê nghèo
Ông Hà Thắng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Bình Minh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây người dân trong xã chưa biết tận dụng lợi thế đất đai của địa phương để phát triển kinh tế, phương thức canh tác lạc hậu nên đời sống còn nghèo khó. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, tỉnh và huyện dành cho vùng căn cứ kháng chiến về các điều kiện để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân được tuyên truyền, hướng dẫn cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có giá trị kinh tế để tăng năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm và tạo giá trị thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành được các vùng trồng cây có múi như: quýt, bưởi, cam và xoài, điều. Bản thân gia đình ông Thắng có 9 ha quýt, trồng theo phương pháp hữu cơ, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Từ trồng quýt và các loại cây có giá trị kinh tế cao, ông Thắng và nhiều hộ dân ở Phú Lý đã trở thành tỷ phú.
Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc và nông nghiệp, nông thôn là những vấn đề lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, tăng cường tiềm lực đất nước và sự ổn định chính trị, xã hội, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu, đến cuối năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 5 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao; 25% số xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Xuân Lộc hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với hỗ trợ người dân trong việc cấp đất sản xuất, xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống, tỉnh và huyện còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường học, trạm y tế cho Phú Lý. Trước đây, cán bộ xã khi về huyện họp phải đem theo quần áo vì đường đất đỏ, lúc đi bụi bám đầy người, xuống tới nơi phải thay bộ khác mới có thể ngồi họp được, nay đường ở Phú Lý được trải nhựa phẳng lì. Trong xã có đầy đủ các bậc học, từ trường mầm non đến THPT. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học, trở thành cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp…
Xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, 55% dân số là đồng bào có đạo; người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp đã về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thanh Bình Nguyễn Thị Thủy cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định phải lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ này. Để đạt mục tiêu đề ra, hằng năm Đảng ủy xã đều ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, đã củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo nông thôn mới của xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và lãnh đạo UBND, các đoàn thể xã thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể để đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện nghị quyết, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thanh Bình thi đua lao động sản xuất, nhiệt tình tham gia các phong trào địa phương, nhất là phong trào Chung sức xây dựng nông thôn mới. Kết quả, Thanh Bình đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III đề ra. Trong 5 năm vừa qua, người dân ở đây đã tích cực thay đổi hình thức tổ chức sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, thực hiện chăn nuôi theo mô hình trang trại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản, thu nhập ổn định cho người dân.
Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người ở Thanh Bình đạt gần 65 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 0,03%. Người dân đã đóng góp kinh phí để bê tông hóa và nhựa hóa gần 20km đường trục liên xã, đường trục xã và hàng chục cây số đường ngõ xóm; đồng thời, đóng góp để cứng hóa 100% tuyến đường trục chính nội đồng, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cảnh nhưng lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng Nai vẫn có sự tăng trưởng tốt; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 43.714 tỷ đồng, tăng 3,69% so với năm trước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngay từ năm 2007, Tỉnh ủy Đồng Nai đã quyết định chủ trương về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu “4 có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt, an ninh, an toàn đảm bảo và có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với các cấp ủy, chính quyền về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn là phải giải đáp được 4 vấn đề: trồng cây gì, nuôi con gì; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi như thế nào; bán cho ai, bán ở đâu; lợi nhuận, thu nhập được bao nhiêu? Vì, xây dựng nông thôn mới, đích đến vẫn là nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Do đó, khi giải quyết hiệu quả bài toán sản xuất cũng chính là trở lại đúng chức năng của nông thôn với nội dung cốt lõi là hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh cũng sớm xác định giai cấp nông dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể, có tính quyết định đến thành công của mô hình “4 có”. Đồng thời, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia phong trào. Đây là nền tảng ban đầu, có ý nghĩa quan trọng để Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh về sau này.
Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy và Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt hơn bằng nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp lãnh đạo; có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành trong hệ thống chính trị; coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, đề cao trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân giữ vai trò chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Phân công trách nhiệm cho tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu một cách cụ thể, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. Huy động toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện phong trào toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới.
Qua thực tiễn phong trào toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới đã huy động được công sức, trí tuệ, tiền của, đất đai của nhân dân để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới; xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất giỏi, tạo ra của cải vật chất, làm giàu cho gia đình và tạo nhiều việc làm cho xã hội. Đến nay, tổng vốn đầu tư cho nông thôn mới ở Đồng Nai là hơn 376 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 11%, còn lại nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp. Toàn tỉnh đã có 53/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu./..
P.Hằng