(ĐHXIII) - Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử; trong đó trọng tâm là chuẩn bị về công tác nhân sự...
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, các hoạt động tuyên truyền đã được tỉnh Nam Định thực hiện sôi nổi, đa dạng hóa với nhiều hình thức; qua đó góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân trước thềm bầu cử. Trên một số tuyến đường trung tâm của các huyện và thành phố Nam Định đã được bố trí nhiều cụm pa-nô tuyên truyền bầu cử. Nội dung các pa-nô gồm hình ảnh trực quan và những khẩu hiệu tuyên truyền về thời gian bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân... Các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã phát động thi đua lập thành tích chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đến nay, tỉnh Nam Định cũng đã hoàn thành việc quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời, Tỉnh ủy Nam Định cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị của tỉnh phải đoàn kết, thống nhất, tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm. Các huyện ủy, thành ủy thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác bầu cử.
|
Đồng chí Phạm Quang Ái, Bí thư huyện ủy Giao Thủy phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai
công tác bầu cử do Huyện ủy Giao Thủy tổ chức. (Ảnh: CN).
|
Đáng chú ý, cấp ủy các cấp đã chú trọng gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XIII của Đảng và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy Nam Định là kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Phấn đấu lựa chọn, giới thiệu bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Theo đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, xác định chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, cấp ủy các cấp đã tập trung triển khai đồng bộ các nội dung công tác chuẩn bị bầu cử, trong đó, trọng tâm là công tác tuyên truyền, công tác chuẩn bị nhân sự. Cố gắng thực hiện việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đảm bảo theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về vị trí vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy Nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử ở địa phương.
Đặc biệt, trước các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cấp ủy các cấp cũng cần chỉ đạo chặt chẽ phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử, kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối; chủ động xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử./.
Thùy Linh