Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: quochoi.vn)

Tập trung vào nội dung đánh giá, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 trong dự thảo các Văn kiện, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: Các nội dung đã được thể hiện đầy đủ, công phu, đề cập nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nhiều điểm sáng trong kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Theo đó, đại biểu cho rằng,  thời gian qua đã có những tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Đó là sự bất ổn về kinh tế, chính trị…Cụ thể, về an ninh phi truyền thống thì có 2 điểm, đó là dịch tả lợn châu Phi năm 2019 hoành hành đến nay chưa khắc phục được thì cuối năm 2019 đầu năm 2020 lại tiếp tục xuất hiện đại dịch COVID - 19. Điều này làm cho sức chống chịu của nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và kéo giảm tăng trưởng kinh tế của cả giai đoạn.

Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra triền miên. Đầu tiên là hạn hán rồi xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ suối và gần đây nhất là bão lũ ở khu vực miền Trung; gây rất nhiều thiệt hại, nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nhất định đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Về những thành tựu nổi trội trong giai đoạn 2016-2020, đại biểu đánh giá cao Văn kiện đã đề cập đầy đủ nhiều nhóm vấn đề trọng tâm, cụ thể: Về kinh tế có đề cập đến việc tăng trưởng GDP trong 5 năm qua. Mặc dù năm 2020 không đạt chỉ tiêu bình quân 5 năm đề ra…Về văn hóa xã hội, việc chăm sóc y tế trong thời gian qua đã thành công, nhất là khả năng chúng ta chuyển dịch ngành y tế trở thành một ngành dịch vụ có đóng góp cao cho GDP trong thời gian tới.

Về quốc phòng an ninh, tiềm lực ở lĩnh vực này ngày càng được nâng lên, đặc biệt là uy tín của Quân đội, của Công an. Sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp toàn diện về mọi mặt của Đảng đối với Công an và Quân đội  thực hiện có hiệu quả. “Điều này chúng tôi rất phấn khởi và rất tâm đắc ở đánh giá này. Điều đó đã giúp cho công an, quân đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ hiện nay và không để xảy ra tình trạng tình huống bị động và bất ngờ trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, đại biểu cho biết.

Về hệ thống pháp luật, các chiến lược, đề án về quân sự, quốc phòng, an ninh đã được ban hành và triển khai khá đồng bộ đến thời điểm hiện nay. Công cuộc đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ gìn an ninh trật tự xã hội  đang có nhiều chuyển biến và thu được nhiều kết quả quan trọng, từ đó đã bảo vệ vững chắc an toàn xã hội.

“Một điểm nữa, chúng tôi đánh giá rất cao đối với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong thời gian đạt được nhiều thành tựu khá là quan trọng. Đặc biệt nhất là Việt Nam chúng ta phát huy tốt vai trò tại Liên hợp quốc, diễn đàn APEC, ASEAN, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc …”, đại biểu đánh giá.

Cũng theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã nghiêm túc, toàn diện, thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế trong Văn kiện, cụ thể: Nhiều lĩnh vực công tác quản lý của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, nhất là trong quản lý đầu tư công; công tác quản lý văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực trật tự vệ sinh đô thị, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, chất thải công nghiệp, lan truyền các loại văn hóa phẩm độc hại trên môi trường mạng…

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị, nhiệm kỳ sắp tới phải xây dựng được một bộ máy thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có đội ngũ cán bộ công chức đủ năng lực và phẩm chất để đảm đương trách nhiệm. Cần hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành một cách khoa học trên tất cả các lĩnh vực của đất nước.

“Chúng tôi đề nghị trong quá trình thực thi công vụ trong tất cả các lĩnh vực cần tăng cường tính công khai, minh bạch và phát huy dân chủ một cách thực thụ theo đúng phương châm là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Tận dụng mọi cơ chế, mọi cơ hội để phát huy lợi thế của Việt Nam, mở rộng thị trường truyền thống, cũng như mở rộng thị trường ra thế giới với nhiều quy mô”,

Thêm nữa, đại biểu cũng cho rằng, cần có chính sách để thu hút vốn đầu tư, chuyển đổi công nghệ từ các đối tác lớn, có sự dịch chuyển trên thế giới như hiện nay một cách hợp lý. “Đặc biệt  làm sao chúng ta hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển phục hồi sau dịch COVID-19. Hiện nay, sau dịch nhiều doanh nghiệp lao đao, tạm dừng rồi giãn ra, sản xuất kinh doanh bị đình trệ do không có thị trường, không có đơn hàng, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và càng nhỏ thì sức chống chịu, sức chịu đựng càng yếu”, đại biểu bày tỏ.

Góp ý ở lĩnh vực khác, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương là đã điểm những vấn đề quan trọng, những vấn đề rất bức thiết của đất nước.

Thứ nhất là Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung vào vấn đề chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, vấn đề suy thoái. Thứ hai là Trung ương đã bàn 2 Nghị quyết lớn là Nghị quyết 18 và 19 đề cập việc tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế, chấn chỉnh một loạt những vấn đề về kiểm soát quyền lực…Đây cũng là những vấn đề lớn của đất nước mà Trung ương đã xác định là vấn đề quan trọng, từ đó có Nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

“Với cách nhìn nhận, đánh giá đó, tôi tin rằng nhiệm kỳ tới chúng ta hoàn toàn làm được, thực hiện được những mục tiêu mà dự thảo Văn kiện đề ra, để đưa đất nước phát triển bền vững”, đại biểu nói./.

 

 

Phản hồi

Các tin khác