|
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An). Ảnh: Minh Phong
|
Đóng góp vào Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho biết: Trong bối cảnh trước và sau Đại hội XII (2016) như dự thảo Báo cáo đã nêu là sát và phù hợp với tình hình thực tiễn. Báo cáo đã nêu rõ một nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá về các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường ở nội dung tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7% và GDP bình quân đầu người đến năm 2025 trên 8.000 USD là cao.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam; cần đánh giá lại tiêu chí nông thôn mới khi đủ điều kiện mới công nhận nông thôn mới tránh tình trạng chạy theo thành tích và chỉ tiêu, cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Về 3 đột phá Chiến lược phát triển kinh tế, đại biểu đề xuất hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có đầy đủ "phẩm chất", "năng lực" để sẵn sàng "thích ứng" với các xu hướng phát triển của đất nước và thế giới. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung trong phần xây dựng nông thôn mới, cụ thể là: “nhất là vùng miền núi” và viết lại là “Thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là vùng miền núi để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị”.
Cho rằng ở nội dung về công tác xây dựng Đảng, dự thảo Báo cáo đã đề cập rõ các giải pháp, mục tiêu phấn đấu, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị trong bài học kinh nghiệm thứ nhất bổ sung thêm cụm từ "nhanh chóng nắm bắt xu thế mới nhằm bổ sung và" và diễn đạt thành “giữ vững bản lĩnh chính trị; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; kịp thời tổng kết thực tiễn, nhanh chóng nắm bắt xu thế mới nhằm bổ sung và phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cơ hội chính trị”; trong phần nhiệm vụ, giải pháp đề nghị bổ sung thêm vào nội dung đẩy mạnh tinh giản biên chế để cải cách chính sách tiền lương; “đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt” để góp phần chống tham nhũng...
Đối với tổng kết thi hành Điều lệ Đảng, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề xuất bổ sung thêm một số ưu, khuyết điểm. Theo đó, cần tăng cường củng cố tổ chức cơ sở đảng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số... Về cơ bản, các địa bàn khó khăn không còn tình trạng “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, cũng như giảm tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép. Ngoài ra, cần giám sát việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm qua công tác kiểm tra, giám sát có lúc chưa được quan tâm đúng mức; Nguyên tắc tập trung dân chủ và tự phê bình, phê bình có nơi, có lúc thực hiện chưa nghiêm..
Đánh giá cao về nội dung đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người được đề cập đầy đủ, sâu sắc trong dự thảo Văn kiện, tuy nhiên đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho rằng, cần tăng cường các giải pháp chống mù chữ và tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại một số địa phương và bổ sung giải pháp về lộ trình đào tạo của nhà giáo. Đảng, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và chất lượng giáo dục đại học, dạy nghề; khuyến khích tư nhân phát triển giáo dục, dạy nghề; sớm hoàn thiện xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đồng thời đảm bảo tính ổn định, thống nhất, thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là quan tâm hơn tới đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống đại học, sau đại học, xây dựng trường, lĩnh vực đào tạo đặc biệt quan trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế; Bổ sung kết hợp giáo dục kiến thức với giáo dục thể chất, kỹ năng; đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội.
Đóng góp vào việc cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, đại biểu cũng đề nghị xác định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong cơ cấu thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay; có chính sách, giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là trong sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trong điều kiện hội nhập và về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, trong dự thảo cần quan tâm đến giải quyết nợ xấu, nợ công; đổi mới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn./.
Bích Liên