(ĐHXIII) - Từ nguồn vốn viện trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam đầu tư, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều công trình, dự án đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ người dân.
Hệ thống nước sạch tuyến vào cây Lộc Vừng, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang đã và đang phục vụ cho nhiều hộ dân.
(Ảnh: Báo Hậu Giang)
Dự án hỗ trợ, cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn tỉnh Hậu Giang được đầu tư từ nguồn viện trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam với tổng mức đầu tư trên 1,1 tỉ đồng. Dự án được duyệt vào tháng 3-2021 với mục tiêu mở rộng tuyến ống cung cấp nước sạch cây Lộc Vừng, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đồng thời hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt cho người dân vùng xâm nhập mặn. Theo khuôn khổ dự án, bồn chứa nước 1.000 lít được cấp cho 205 hộ dân huyện Long Mỹ giúp chia sẻ phần nào khó khăn cho bà con trong mùa hạn. Ngoài ra, đường ống nước dài khoảng 4,5km được đầu tư cơ bản hoàn thiện, giúp cải thiện điều kiện sử dụng nước cho người dân xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Tuyến ống nước sạch đã được bố trí cách lề đường giao thông từ 0,5 đến 5m; sau đó lấp đất và hoàn trả mặt bằng hiện trạng.
Ông Phạm Thanh Trúc, ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi cho biết: “Nguồn nước hiện tại gia đình tôi sử dụng từ cây nước, bơm lên phải lóng phèn mới dùng được. Nhưng cũng tạm thôi chứ không phải là nước sạch. Bởi vậy, khi nghe tin được đầu tư đường ống dẫn nước sạch vào khu vực này, bà con ai cũng mừng. Nhà tôi đã đăng ký từ sớm, khoảng một tuần nữa người ta sẽ vào lắp đặt đồng hồ nước là có nước sạch để sinh hoạt rồi. Không chỉ gia đình tôi, mà còn nhiều hộ dân xóm này sẽ có nước sạch sử dụng”.
Cũng từ nguồn viện trợ này, Hậu Giang xây dựng mô hình thủy lợi, tưới tiên tiến tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ở huyện Châu Thành. Mục tiêu là giúp ngăn lũ vào mùa mưa và trữ ngọt vào mùa khô, hạn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Với tổng mức đầu tư khoảng 1,1 tỉ đồng, dự án tập trung đầu tư xây dựng cống, đập lấy nước vận hành tự động hóa; nạo vét kênh trữ ngọt kết hợp đắp đê bao. Bên cạnh đó là hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0, diện tích tưới khoảng 4ha; thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt Dripnet PC với mỗi hàng cây được lắp 2 hàng dây nhỏ giọt hai bên. Mô hình đang được triển khai dần hoàn thiện, bước đầu một số hộ dân đã tiếp cận và đánh giá cao hiệu quả tưới tiêu trên cây ăn trái.
Với gần 5 công đất trồng mít, sau khi chuyển sang áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước, chị nguyễn Thị Thúy Hằng, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết tiết kiệm khoảng 30% chi phí tưới. Chưa kể, thời gian tưới giảm rất nhiều, bởi chỉ cần khởi động hệ thống là nước theo đường ống dẫn tự động cung cấp cho từng cây trồng.
“Kể từ khi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước, tôi chú ý kỹ thấy độ ẩm cung cấp cho cây được đều, nhờ vậy vườn cây xanh tốt hơn. Còn tưới bằng motor như trước đây, nước chỉ thấm qua chứ không cung cấp độ ẩm được xuyên suốt. Mô hình này đem lại rất nhiều hiệu quả, bởi vừa tiết kiệm được chi phí tưới tiêu, vừa giúp tiết kiệm thời gian chăm sóc cây trồng”, chị Hằng nhận xét.
Theo ông Mai Hoàng Tâm, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước mặt bị ô nhiễm, dự án hỗ trợ cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn có ý nghĩa quan trọng đối với người dân xã Tân Long và Thạnh Hòa. Hiệu quả là cấp nước và hạn chế mầm bệnh khi sử dụng nước. Thời gian qua, Chi cục Thủy lợi cũng vận động rất nhiều bồn chứa nước để hỗ trợ cho người dân, tuy nhiên nhu cầu còn rất lớn. Riêng dự án xây dựng mô hình thủy lợi, tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; đặc biệt là mô hình tưới tiết kiệm đang dần tạo được sự thay đổi tư duy của người dân trong vấn đề tưới tiêu cho cây trồng./..
Kỳ Anh