|
Đại biểu dự tập huấn kiến thức pháp luật.. (Ảnh Báo Ấp Bắc)
|
Trong giai đoạn 2013-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ban hành hơn 1.260 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác PCTN ở cơ quan, đơn vị.
Trong những năm qua, Tiền Giang được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác PCTN của cả nước.
Đạt được kết quả đó, trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành chặt chẽ, kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, như: Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, hoạt động của cơ quan.
Toàn tỉnh có 1.316/1.316 cơ quan, tổ chức, đơn vị, xây dựng và ban hành quy chế nhằm thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động thu, chi tài chính; quản lý sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; mua sắm tài sản công; xây dựng cơ bản; quản lý đất đai, công tác cán bộ....
Theo số liệu thống kê xác định có 82.793 lượt người phải kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó, số bản kê khai được công khai niêm yết là 54,9% (có 32% số người phải kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý); 45,1% công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp; thực hiện cải cách hơn 2000 thủ tục hành chính và công bố gần 1.500 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ngành tỉnh tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị luôn coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Trong giai đoạn 2013-2020, công tác thanh tra, điều tra, tự kiểm tra nội bộ, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 33 vụ, trong đó liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị là 11 người: xử lý hình sự 5 người, xử phạt hành chính 6 người; xử lý về mặt Đảng: Khai trừ 6, cảnh cáo 3, khiển trách 2; về mặt chính quyền có hình thức xử lý tương xứng; thu hồi tài sản thiệt hại của Nhà nước do tham nhũng gây ra đạt 61,26%, với giá trị trên 16,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một vài cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác PCTN. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong hoạt động quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực chậm được phát hiện ngăn chặn, xử lý. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để vụ lợi dẫn đến phạm tội, bị xử lý, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Rõ ràng công tác đấu tranh PCTN là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải hết sức bền bỉ, kiên trì, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống tham nhũng. Trong đó, nhất thiết phải coi trọng biện pháp phòng ngừa lấy phòng ngừa là chính, phòng ngừa tốt sẽ hạn chế được thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về cán bộ, uy tín của Đảng, lòng tin của Nhân dân.
Do đó, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, quyết liệt, công tâm, khách quan, nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý người có hành vi tham nhũng theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục quán triệt việc thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa về các quy định có liên quan đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng của các cơ quan có chức năng PCTN đặc biệt là cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, thật sự là tấm gương sáng, công tâm, kiên quyết, dũng cảm trong PCTN; sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, xử lý hành vi tham nhũng đến nơi đến chốn, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của người đứng đầu sẽ là nhân tố quyết định đến sự thành công của công tác PCTN
Định kỳ tổ chức tổng kết đánh giá công tác xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đề ra giải pháp hiệu quả hơn. Qua đó, lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung nhằm khắc phục những “khoảng trống”, “kẻ hở” trong cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN để từng bước hoàn thiện cơ chế “không thể tham nhũng”, nhất là xây dựng và ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch.
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN với các thành viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Theo đó, nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong cuộc chiến PCTN. Bên cạnh đó, sẽ phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc PCTN, nhất là ngăn ngừa trình trạng “tham nhũng vặt” phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Trong đó, chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao nhất ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lối sống, đạo đức, tự giác trong rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính, giữ gìn phẩm chất và xây dựng đoàn kết nội bộ.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hàng năm của bản thân hoặc của vợ (chồng), những tài sản tăng lên so với năm trước phải khai rõ nguồn gốc, những tài sản tăng lên không ghi rõ nguồn gốc thì được xem là tài sản do tham nhũng mà có thì cần phải xử lý triệt để.
Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, cơ quan truyền thông, báo, đài và nhân dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN để từng bước hoàn thiện cơ chế “không muốn tham nhũng”…
HÀ THỊ THOA