Năm 2020, 117 cơ quan, đơn vị đã tiết kiệm được hơn 84.600 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (được cập nhật đến ngày 5/5), 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 50.628 tỷ đồng và tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp hơn 34.000 tỷ đồng.

Trong số 117 cơ quan này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỷ đồng. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 với tổng số tiền tiết kiệm là hơn 10.287 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 3 với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 6.558 tỷ đồng. Trong đó, nếu xét ở 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiết kiệm nhiều nhất, còn các tỉnh Hậu Giang, Hà Nam, Hưng Yên xếp ở cuối bảng khi tiết kiệm được dưới 100 tỷ đồng.

Nếu tính riêng 34 bộ và cơ quan Trung ương thì tổng số tiền tiết kiệm được gần 11.154 tỷ đồng. Trong đó, số tiền tiết kiệm ngân sách và vốn Nhà nước hơn 11.000 tỷ đồng; số tiền tiết kiệm từ vốn doanh nghiệp là 135,541 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 3 cơ quan tiết kiệm được nhiều nhất, kế đến là Bộ GTVT.

Trong khối các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kế đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội. Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Giấy Việt Nam tiết kiệm được ít nhất trong khối này với tổng số tiền tiết kiệm được chỉ dưới 10 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Báo Yến

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiệu quả sử dụng NSNN được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng nêu rõ, vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81.000 tỷ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm.

Công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra. Hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế đang diễn ra. Một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công.

Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Đến ngày 24/12/2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 DNNN chưa hoàn thành cổ phần hóa; một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, khó khăn cho quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp; hiệu quả đóng góp của DNNN thấp; nhiều địa phương, bộ ngành có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch.

Không phủ nhận những kết quả đã đạt được, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng báo cáo chưa chỉ rõ được những kết quả nổi bật, những tiến bộ của năm nay so với năm trước, chưa thấy rõ đâu là điển hình để vinh danh; cùng với đó các tồn tại, hạn chế còn chung chung, chưa rõ địa chỉ, còn nể nang, né tránh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng nên bám sát nội dung cốt lõi của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính. Một là, tài chính, ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, tài chính công, tài sản công, doanh nghiệp có vốn nhà nước, năng suất lao động  của cán bộ, công chức. Hai là, tài nguyên đất đai khoáng sản, bảo vệ môi trường. Ba là, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, xã hội. Đồng thời cần nhìn thẳng vào thực tiễn cuộc sống, bám sát vào cuộc sống để tránh hình thức để từ đó có đánh giá thực chất, rõ ràng./.

Phản hồi

Các tin khác