(ĐHXIII) – Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trước yêu cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch cần phải có một chương trình hành động cụ thể, thiết thực, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII và thực tiễn cuộc sống.
Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong lĩnh vực Du lịch.
Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 trong lĩnh vực du lịch (gọi tắt là Chương trình) gồm 3 chương: Mục tiêu và yêu cầu; Nhiệm vụ trọng tâm và Tổ chức thực hiện.
Theo đó, Mục tiêu của Chương trình nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực du lịch; Cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch đã được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong 5 năm 2021 - 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong lĩnh vực Du lịch ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch. (Ảnh minh họa: VH)
Yêu cầu của Chương trình là nhằm triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương, chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động này. Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện, đề xuất phương án bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực cần thiết triển khai các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, có kiểm soát, đánh giá định kỳ.
Chương trình đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Các nhiệm vụ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện; Các nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức.
Về các nhiệm vụ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện gồm: Khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 phục hồi và phát triển du lịch; Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý du lịch và triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch; Xây dựng và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; Phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch…Các nhiệm vụ phối hợp thực hiện cũng được nêu rõ trong Chương trình như phối hợp với Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông vận tải…
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, việc xây dựng Chương trình là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Trước yêu cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch cần phải có một chương trình hành động cụ thể, thiết thực, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII và thực tiễn cuộc sống. Trong đó, phải tìm ra những điểm mới, điểm đột phá để hành động, tập trung vào thể chế để tháo gỡ điểm nghẽn, dùng “đòn bẩy” thể chế để phát triển du lịch” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng lưu ý, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế số. Trong đó, quản lý Nhà nước giữ vai trò chi phối và kết nối, tập trung vào cơ sở dữ liệu và khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tạo sự liên thông kết nối với các Bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ cũng cần phải phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Chú ý việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý, quản trị, kỹ trị. Ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch, kết nối với hạ tầng giao thông, đô thị; khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư tại các điểm du lịch. Cần phấn đấu mỗi địa phương có sản phẩm du lịch đặc trưng. Các địa phương kết nối sản phẩm du lịch tạo sự đa dạng, hấp dẫn; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau dịch COVID-19…
Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch cũng thực hiện xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Chương trình vào ngày 20/4 đồng thời chuẩn bị hội thảo quốc gia về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 trong lĩnh vực du lịch.
VH