Phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành Công văn hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2021.

Theo đó, KTNN nhấn mạnh, năm 2021 là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên KTNN thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, năm cuối KTNN thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021. Vì vậy, KTNN đã xác định mục tiêu chung của Ngành năm 2021 là “Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2021, tạo cơ sở tiền đề cho thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, phù hợp với điều kiện và đặc điểm về đối ngoại trong nước và quốc tế; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng chống tham nhũng”.

Các mục tiêu kiểm toán cụ thể được xác định gồm: Xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư. Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị, chương trình và dự án. Đồng thời chỉ ra các tồn tại, hạn chế để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Ảnh minh họa. (Nguồn: KTNN)

Về một số nội dung trọng yếu cần tập trung đánh giá (nếu có) trong các cuộc kiểm toán năm 2021, KTNN sẽ đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về quản lý tài chính công, tài sản công năm 2020 gồm: Đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2016-2020 của trung ương và địa phương. Việc chấp hành dự toán chi NSNN; việc thực hiện chủ trương giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư, bảo đảm chi trả nợ, chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Việc chấp hành quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Đáng chú ý, trong các cuộc kiểm toán sẽ đánh giá việc thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ; việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội.

KTNN cũng cho biết, nội dung trọng yếu khác cần tập trung đánh giá là việc thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đánh giá và kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cá nhân có liên quan đối với các sai phạm phát hiện qua kiểm toán.

Ngoài ra, sẽ đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực hoạt động đối với một số nội dung: về thu NSNN, về chi thường xuyên, về chi đầu tư, quản lý tài sản công, lĩnh vực Doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng.../.

Phản hồi

Các tin khác