Sau hai ngày diễn ra, hội thi Giảng viên giỏi lần thứ IV do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đã bế mạc vào chiều 7/4 tại Hà Nội.
Phát biểu bế mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo hội thi nhấn mạnh, hội thi đã khẳng định chủ trương rất đúng, đó là muốn có học viên giỏi phải có giảng viên giỏi. Đây là hình thức để đánh giá, là cơ hội để các giảng viên tự khẳng định và thể hiện mình, đồng thời học hỏi, rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện, bổ sung về kiến thức, phương pháp và kỹ năng. Thông qua hội thi cũng phản ánh hiệu quả của các mặt công tác: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của Học viện trong những năm gần đây.
|
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng trao bằng khen cho 04 giảng viên xuất sắc |
"Qua hội thi, nhiều giảng viên vốn khởi đầu là cán bộ nghiên cứu hay giảng viên từ các trường đại học khác chuyển về công tác tại Học viện nhưng sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng trở thành giảng viên lý luận chính trị, có những bước phát triển nhanh, trở thành các giảng viên giỏi, xuất sắc. Điều này thể hiện hướng đi đúng của Học viện trong công tác đào tạo, bổ sung nguồn giảng viên lý luận chính trị thời gian qua", Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, để trở thành giảng viên giảng dạy lý luận chính trị giỏi cần xác định rõ đối tượng học viên là những cán bộ có thực tiễn và kinh nghiệm. Do đó, người giảng viên cần xác định cái học viên cần là những chủ trương, chính sách dựa trên những luận cứ khoa học, tổng kết thực tiễn, rồi từ đó có những phương pháp phù hợp. Giảng viên cần làm chủ, nắm thật vững kiến thức nền rồi sau đó mới đi sâu vào các kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các học viện, viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian tới cần đẩy mạnh quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; tổ chức các lớp đào tạo giảng viên một cách bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu để cho giảng viên được trang bị toàn diện về mọi mặt, cả về kiến thức từ kinh điển, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến những kiến thức về lĩnh vực chuyên môn sâu, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng của một người giảng viên trường Đảng.
Báo cáo tổng kết, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hội thi Giảng viên giỏi lần thứ IV có 48 giảng viên (thuộc 14 viện chuyên ngành và 05 học viện trực thuộc) đăng ký dự thi tại 18 chuyên ngành thuộc 6 tiểu ban.
|
Các giảng viên giỏi nhận giấy khen tại lễ bế mạc |
Nhìn chung, các đơn vị, cá nhân tham gia đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thi trong việc nâng cao kiến thức lý luận, thực tiễn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ; tạo phong trào thi đua thiết thực tại các đơn vị, góp phần đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt đổi mới hình thức tổ chức thi như bốc thăm thi giảng và nhận xét đối với từng giảng viên ở các tiểu ban đã giúp các giảng viên ý thức được ưu điểm cũng như hạn chế của mình để có hướng khắc phục, điều chỉnh.
Tuy nhiên, chất lượng giảng viên tham gia ở nội dung thao giảng chưa cao so với ba lần tổ chức trước đây, mặc dù số lượng giảng viên tham dự đông nhất. Nhiều bài giảng còn nặng về thuyết trình, mô tả sự kiện, chưa sát và chưa đúng tầm với đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Việc tương tác giữa giảng viên và học viên chưa thật sự tốt...
Kết quả, Ban Tổ chức hội thi đã trao bằng khen cho 04 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên xuất sắc gồm giảng viên Trần Thái Hà, khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Nguyễn Hoàng Oanh, khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Tăng Thị Thu Trang, Viện Nhà nước và pháp luật; Nguyễn Anh Tuấn, Viện Xây dựng Đảng; trao giấy khen cho 28 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên giỏi./.