Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình vừa chính thức thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với 13 chương trình trọng tâm trên các lĩnh vực gồm:
|
Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình cả nước (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
|
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nguồn thu và tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước đạt 10.000 tỷ đồng;…
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 huy động được trên 120 nghìn tỷ đồng cho đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng. Tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội…
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 40%; phấn đấu mức đầu tư cho khoa học và công nghệ tăng dần qua các năm và đạt ít nhất 1% tổng chi ngân sách địa phương vào năm 2025; toàn tỉnh có 300 Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…
Phát triển đô thị với mục tiêu đến năm 2025, chỉ tiêu đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 38%; nâng cấp đô thị thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn cơ bản đạt các tiêu chí cấp hành chính thị xã Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị trấn Phong Phú, Ba Hàng Đồi, Mường Vó là đô thị loại V, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V…
Phát triển nhà ở với mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đạt 22,15m2/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 75%, tỷ lệ nhà ở đơn sơ giảm còn 1%; cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ các hộ dân trong chung cư cũ…
Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường. Phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%; giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích đất trồng trọt đạt 220 triệu đồng/ha/năm, thủy sản đạt 250 triệu đồng/ha; tỷ lệ hàng hóa qua chế biến đạt trên 30%; hàng năm, tăng trung bình 0,5 tiêu chí/xã, có thêm 6% xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có trên 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong đó đặt mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) theo hướng hiện đại, giữ vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu về CNH, HĐH. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 9%/năm; đến năm 2025, diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế tỉnh đạt 54%, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 50%.
Phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch, theo đó phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành dịch vụ là 27%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 18%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 18%/năm; chỉ số giá tiêu dùng hàng năm tăng khoảng 5%; đón 4,9 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng; khối lượng vận tải hàng hóa tăng bình quân 9,8%/năm; vận chuyển hành khách tăng bình quân 9,7%/năm.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế với mục tiêu đến năm 2025, cắt giảm tối thiểu 30% về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp so với quy định của Trung ương; chỉ số PCI và chỉ số PAPI của tỉnh xếp trong tốp 30 của cả nước; phát triển thêm 2.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, thu hút được 280 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 80.000 tỷ đồng và 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 1 tỷ USD; rút ngắn thời gian nộp thuế, hoàn thuế và thời gian hoàn thành thủ tục bảo hiểm xã hội, thời gian tiếp cận điện năng tối thiểu từ 35% so với quy định của Trung ương; là tỉnh thuộc tốp giữa của các nước về việc ứng dụng và triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp ít nhất 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4;…
Quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong đó phấn đấu đến năm 2025, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh và đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để đạt 100%...
Phát triển văn hóa - xã hội với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5 - 3%/năm; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%; có 10 bác sỹ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt từ 95% dân số trở lên; 60% xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa đạt chuẩn; tỉnh Hòa Bình phát triển được 1 môn thể thao thành tích cao đồng đội hoặc tập thể; …
Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nội chính; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với mục tiêu kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự để phát triển kinh tế - xã hội…
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, trong đó đặt mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH; tăng cường đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…
Theo Chương trình hành động, BCH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình xác định bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng, mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh để tổ chức thực hiện. Phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai với lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể.
Quá trình tổ chức thực hiện phải gắn với các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, gắn trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để mọi nhiệm vụ thực hiện phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao nhất./.
Phương Nghi