Ninh Bình đưa Chỉ thị 08-CT/TW đi vào thực tiễn cuộc sống
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Ảnh minh họa (Nguồn: BT)

Đưa Chỉ thị 08-CT/TW đi vào thực tiễn cuộc sống

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 08-CT/Tngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ngay sau khi Chỉ thị 08-CT/TW được ban hành, Tỉnh ủy Ninh Bình đã kịp thời ban hành Thông tri số 08-TT/TU ngày 12/1/2012 về việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện tới lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh và các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, các ngành liên quan. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện. 

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 08-CT/TW gắn với Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản của Đảng, Nhà nước về an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên, người lao động. 

Thông qua việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Chỉ thị của Đảng, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân đã được nâng lên một bước về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác an toàn thực phẩm đối với sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, đồng thời thấy rõ trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đoàn thể trong việc tổ chức và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thành công chỉ thị.

Qua 10 năm thực hiện chỉ thị 08, các cấp ủy Đảng trên địa  bàn tỉnh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và giáo dục cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, những người quản lý, sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội, đến sức khỏe con người, sự phát triển của giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội; nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi đối với vấn đề an toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến tích cực về hành vi an toàn thực phẩm.

Cụ thể, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã triển khai có hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩmHằng năm đã phát động và tổ chức thành công “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” diễn ra từ 15/4 - 15/5 với từng chủ đề khác nhau, trong đó đã tổ chức thành công 5 Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trong các năm 2011, 2012, 2013, 2016 và năm 2018 với hàng nghìn người tham gia; 7 cuộc tuyên truyền lưu động; 3 cuộc tọa đàm trên sóng truyền hình phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản có liên quan,…

Bên cạnh đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật khác đến các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ quản lý và các hộ sản xuất, kinh doanh có liên quan đến an toàn thực phẩm. Phát động phong trào thực hiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. 

Đặc biệt, triển khai Chỉ thị số 08, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với nội dung cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phổ biến các nội dung liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm lồng ghép trong các buổi tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ “Phụ nữ với an toàn thực phẩm”.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh hằng năm xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện về công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó tập trung tuyên truyền tới các hộ gia đình nông dân tuyệt đối không sử dụng hóa chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời hướng dẫn các hội viên áp dụng một số kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong giai đoạn 2011-2020, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã xây dựng và nhân rộng hơn 405 mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có nhiều mô hình triển khai hiệu quả và được nhân rộng như: Mô hình dân vận khéo về an toàn thực phẩm; mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các khu du lịch; mô hình liên kết các sản phẩm nông sản an toàn, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chuỗi cửa hàng nông sản an toàn (bước đầu xây dựng 22 mô hình an toàn thực phẩm, trong đó khai trương 13 cửa hàng nông sản an toàn cấp tỉnh, huyện)…

Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố đã được phân cấp cho từng ngành, từng cấp, từng bước hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Nhìn chung, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý các cấp, cán bộ chuyên môn đã trưởng thành thêm một bước, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; trách nhiệm với cộng đồng, với sức khỏe của nhân dân được đề cao. Đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức và hành vi của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng ngày càng tốt hơn. Nhờ thế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm qua. 

Tiếp tục triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 08-CT/TW trong thời gian tới, địa phương tiếp tục xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, sẽ quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Hằng năm đưa các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; triển khai các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi “từ sản xuất đến tiêu dùng”; xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh sự số về an toàn thực phẩm các cấp. 

Bên cạnh đó, Ninh Bình sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật cũng như văn bản chỉ đạo khác của Trung ương, của tỉnh về an toàn thực phẩm

Cùng với các giải pháp trên, Ninh Bình tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức cán bộ chuyên trách; tăng cường đầu tư nguồn lực, đảm bảo kinh phí và các điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. UBND các cấp, các sở, ngành được giao quản lý về an toàn thực phẩm có trách nhiệm củng cố, tăng cường nhân lực, phương tiện làm việc, kinh phí cho các cơ quan, đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp. 

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành của các cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, phụ gia trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; phát huy hiệu quả mô hình chợ an toàn thực phẩm. Ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại; tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội và tại cộng đồng. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm

Đi cùng với đó, địa phương sẽ đẩy mạnh khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm. Đổi mới công nghệ sản xuất thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn. 

Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tạo sự chuyển biến thực về hành vi an toàn thực phẩm; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân... trong thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Phản hồi

Các tin khác