|
Ảnh minh họa. (Ảnh: BH)
|
Phong trào tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Theo báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình về kết quả 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2025 cho thấy, địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, qua 20 năm (2000-2020) triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng con người Quảng Bình phát triển toàn diện và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.
Trong đó, thực hiện nội dung của phong trào về vấn đề đoàn kết giúp nhau, “xóa đói giảm nghèo”, thông qua các mô hình, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp đã tập trung chỉ đạo các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh và thi đua làm giàu”,…
Từ năm 2000 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hỗ trợ cây, con giống, giúp đỡ 61.506 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được trên 32 tỷ đồng; Quỹ cứu trợ và các chương trình an sinh xã hội cấp tỉnh vận động được trên 150 tỷ đồng. Mặt trận các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động phát triển 736 trang trại theo hướng chất lượng và giá trị, tạo việc làm cho hơn 3.342 lao động, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở nông thôn.
Về nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, đến nay, toàn tỉnh có 100% khu dân cư xây dựng và tổ chức hiệu quả mô hình tự quản; duy trì và giữ vững các xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội; có 100 Ban an ninh trật tự thôn, bản, tổ dân phố; 487 Đội xung kích, 4.450 tổ an ninh nhân dân,…
Đáng chú ý, thực hiện phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, đã trở thành mục tiêu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi thôn, bản, tổ dân phố, mỗi gia đình và đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Phong trào thi đua được phát động ở các cấp, các ngành trong toàn tỉnh thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Từ đây, phong trào đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, lực lượng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh bằng các việc làm cụ thể như: tặng quà, giúp đỡ bằng tiền, hiện vật, công lao động, hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng lớp học mầm non,…Từ đó, xuất hiện ở địa bàn dân cư nhiều người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến và được các cấp, các ngành, các địa phương biểu dương, khen thưởng, nhân rộng.
Chỉ riêng trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Bình có 2 cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 1 tập thể và 13 cá nhân được tặng Huân Chương Lao động hạng Nhì; 1 tập thể và 27 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 6 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ,…
Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện phong trào
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để triển khai sâu rộng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, nhằm tạo sự chuyển biến vững chắc trong xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gìn giữ, củng cố quốc phòng, an ninh.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, để tiếp tục triển khai Phong trào, Quảng Bình phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 87% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% số thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa – khu thể thao, 87% trở lên xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới,…
Hướng tới các mục tiêu trên, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương sẽ nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện phong trào. Tăng cường sự kết hợp đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở các cấp trong việc phối hợp lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Phong trào.
Đáng chú ý, địa phương sẽ xây dựng các mô hình tiêu biểu, các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu; phê phán, chống lại những quan điểm, hành vi tiêu cực, trái với đạo lý và thuần phong mỹ tục.
Ngoài ra, địa phương sẽ đẩy mạnh việc nâng cao tính tự quản và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa bền vững, thực sự là những điểm sáng về văn hóa ở nông thôn. Rà soát hệ thống quy ước, hương ước trên địa bàn toàn tỉnh để hướng dẫn bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với những quy định của pháp luật. Thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội, nâng cao mức hưởng thụ và sức sáng tạo về văn hóa của nhân dân.
Trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, địa phương sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; chú trọng đổi mới nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn./.
Phương Khánh