Vĩnh Phúc: Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành các chương trình hành động
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan kết luận hội nghị. Ảnh: Dương Hà

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Hà

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị cho ý kiến vào Đề án chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số ngày 27/4, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, Đề án là bước quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh.

Do đó, Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện đề án, dự thảo nghị quyết. Trong đó, tập trung đánh giá rõ thực trạng tình hình chuyển đổi số, chính quyền điện tử; làm sao chuyển biến về nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số; xác định rõ nguồn lực ngân sách nhà nước và xã hội hóa để phân kỳ đầu tư phù hợp; chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại.

Đề án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số, đề ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng chính quyền điện tử tỉnh thuộc top 15 địa phương tốt nhất cả nước, hình thành các cơ chế, chính sách để kinh tế số đóng góp quan trọng và tăng trưởng của tỉnh; đến năm 2030, cơ bản hình thành chính quyền số với hệ thống dịch vụ số, đưa chính quyền số Vĩnh Phúc thuộc nhóm 10 địa phương tốt nhất cả nước.

Góp ý hoàn thiện nội dung Đề án, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải ban hành đề án, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lĩnh vực chuyển đổi số nhằm cụ thể hóa nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh cần có đòn bẩy về cơ chế, chính sách và quyết tâm chính trị cao để triển khai các bước thực hiện chính quyền số; nghiên cứu thành lập trung tâm an ninh an toàn mạng; tăng cường tập huấn công nghệ an ninh mạng cho các sở, ngành, địa phương; thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động; tính toán các nguồn lực của tỉnh, nguồn lực xã hội hóa để thực hiện hiệu quả đề án trong thời gian tới.

Cùng với đó, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2050; chủ trương trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất và nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; kiện toàn Ban Chỉ đạo Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Dự thảo Kết luận kiểm tra học tập nghị quyết Đại hội Đảng bộ…

Phản hồi

Các tin khác