Xây dựng văn hóa, thương hiệu Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

 

Bí thư Thành ủy  Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 16/3, GS.TS. Nhà giáo ưu tú Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội đã làm việc với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết: Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và thường xuyên của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ công chức, viên chức địa phương về lý luận chính trị - hành chính; Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Trường hiện gồm 3 khoa, 2 phòng và 1 trung tâm; Tổng số có 106 viên chức và người lao động. Trong đó có 10 tiến sỹ, 66 thạc sĩ, 15 cử nhân, 15 trình độ khác. Về trình độ lý luận chính trị có 29 cao cấp, 47 trung cấp.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Nhà trường đã tổ chức thực hiện, phối hợp quản lý và phục vụ 279 lớp với 36.451 học viên. Trong đó, 13 lớp cao cấp lý luận chính trị; 128 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 3 lớp đào tạo thí điểm công chức nguồn cấp xã; 1 lớp học bổ sung, đổi bằng trung cấp lý luận chính trị lấy bằng trung cấp lý luận chính trị hành chính; 135 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch các chức danh….

Giai đoạn 2021 - 2025, nhà trường đề ra phương hướng sớm đạt tiêu chuẩn mô hình trường chính trị chuẩn, xây dựng trường học thông minh, quản lý nhà trường theo tiêu chuẩn chất lượng ISO; Phấn đấu nâng cấp thành học viện vào năm 2025; Đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường; Tăng cường phối hợp đào tạo bồi dưỡng với các cơ quan Trung ương và các tỉnh bạn; Hướng tới đào tạo đại học, sau đại học và hợp tác đào tại quốc tế; Xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường đạt tiêu chuẩn: 100% trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó đến năm 2025 ít nhất 30% đạt trình độ tiến sỹ, hướng đến năm 2030, trên 50% giảng viên là tiến sĩ.Trường cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học lý luận có uy tín, chất lượng của Thủ đô và đất nước…

Kiến nghị với thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong nêu 6 nhóm vấn đề. Đáng chú ý, trường kiến nghị Thành ủy cho phép được xét tuyển kết hợp với thi tuyển số lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn đã công tác tại trường từ 5-17 năm; tăng cơ cấu Ban Giám hiệu thêm 1 người; hằng năm luân chuyển, biệt phái 5% giảng viên đi thực tế có thời hạn 6-12 tháng ở các cơ quan, ban, ngành hoặc địa phương trên địa bàn. Trường cũng kiến nghị thành phố cho thành lập Quỹ khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại trường; cho phép thành lập Tạp chí Khoa học chính trị và xây dựng Đảng Thủ đô; sớm phê duyệt dự án xây dựng trụ sở tại số 220 đường Láng,quận Đống Đa…

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Trường Đạo tạo cán bộ Lê Hồng Phong có bề dày truyền thống 72 năm, lại có vinh dự mang tên đồng chí Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong lịch sử xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của thành phố; được Đảng, Nhà nước hai lần tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Mặc dù vậy, hiện nay, nhà trường còn có nhiều khó khăn, tồn tại và chưa phát triển tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao của một trường chính trị, hành chính của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.

Về nguyên nhân, ngoài các yếu tố khách quan, Bí thư Thành ủy Hà  Nội cho rằng, có phần quan trọng do chủ quan, xuất phát từ ý thức tự cường, quyết tâm vươn lên của đội ngũ nhà trường; trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo, phối hợp. Do đó, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị, nhà trường cần tập trung phân tích nguyên nhân để có giải pháp khắc phục những hạn chế, trong đó phải đặc biệt chú trọng phân tích vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy nhà trường; kiện toàn ngay vị trí Bí thư Đảng ủy.

Nhấn mạnh ý nghĩa truyền thống trong định hướng phát triển của nhà trường, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, nhiệm vụ trước mắt và quan trọng nhất là Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phải tập trung xây dựng văn hóa, thương hiệu nhà trường, coi đây là động lực để cán bộ, giảng viên gắn bó, cống hiến xây dựng nhà trường vì Văn hóa, thương hiệu chính là sức mạnh mềm

Cùng với đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phải bắt tay ngay vào xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức Đảng, các khoa, phòng theo vị trí việc làm... Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhà trường phải xây dựng bằng được đội ngũ giảng viên kiêm chức, cộng tác viên thật sự có uy tín, chất lượng; khai thác nguồn lực chất xám to lớn trên địa bàn Thủ đô. "Đây là tài sản rất lớn, uy tín của nhà trường cao hay thấp chính là nhờ đội ngũ này", đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ lưu ý, nhà trường phải tập trung nguồn lực rà soát lại các ngành học, môn học, các hình thức đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo, các loại hình đào tạo; trước hết phải chuẩn bị ngay chương trình đào tạo cán bộ dự nguồn các cấp thành phố. Trong quá trình đó, cần đặc biệt coi trọng chất liệu thực tiễn; cán bộ, giảng viên nhà trường phải thật sự đắm mình, hòa mình vào đời sống thực tiễn đất nước, Thủ đô.

Về cơ sở vật chất, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho Ban Cán sự đảng UBND TP nghiên cứu, xem xét chỉ đạo để xây dựng cho nhà trường một cơ sở thật sự phù hợp, xứng tầm và lâu dài; đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà trường phát triển, trước hết là nhu cầu đi thực tế, tham gia nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách…./.

Phản hồi

Các tin khác