Khuyến khích vận động bầu cử qua phương tiện thông tin đại chúng với người mắc COVID-19
Ảnh minh họa. Nguồn: Băng Châu

Ảnh minh họa. Nguồn: Băng Châu

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, để phòng chống dịch COVID-19, đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Trường hợp người ứng cử bị mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.

Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.

Theo đồng chí Ngô Sách Thực, trong vận động bầu cử hiện nay phải sử dụng tổng hợp các biện pháp. Một là, những người ứng cử phải tôn trọng thực hiện việc ứng cử của mình. Tuy nhiên, hiện nay trong hướng dẫn chỉ đạo chung của Hội đồng Bầu cử quốc gia là tạo điều kiện bằng mọi hình thức.

Thứ nhất là các danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử được niêm yết tại khu vực bỏ phiếu gồm cả 4 cấp được quy định 20 ngày trước ngày bầu cử. Tức là tiểu sử tóm tắt và lý lịch trích ngang ở tại khu vực bỏ phiếu hiện nay phải được niêm yết, đây là thông tin để người dân biết nắm được.

Thứ hai là danh sách trích ngang gửi trong hướng dẫn về bầu cử hiện nay được gửi đến từng hộ gia đình, để người dân nắm được thông tin có sự nghiên cứu và lựa chọn chính xác.

Còn việc tóm tắt lý lịch được hướng dẫn đưa vào các trang thông tin điện tử của UBBC, những thông tin này phải được thông báo rộng rãi cho người dân để họ tra cứu, tìm hiểu. Như vậy qua kênh thông tin điện tử người dân sẽ nắm được thông tin về bầu cử.

Thứ ba là phải sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Tức là trong vận động bầu cử có hướng dẫn rất rõ, cụ thể như đăng công bố về đơn vị bầu cử và danh sách người được giới thiệu vào đơn vị bầu cử trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình địa phương… Hoặc danh sách trích ngang của người ứng cử ở đơn vị bầu cử và tóm tắt sơ yếu lý lịch của người ứng cử  được hướng dẫn trong Luật quy định, đăng trên cổng thông tin cuả UBBC, UBND. UBBC cấp tỉnh sẽ chỉ đạo đăng sơ yếu lý lịch lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong luật và trong hướng dẫn có quy định sử dựng phương tiện thông tin đại chúng để cử tri ở đơn vị bỏ phiếu biết được về người ứng cử. Hình thức này rất quan trọng, nhằm phát huy các kênh thông tin đại chúng.

“Theo tôi, vừa rồi tại các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng và một số địa phương sau khi có hướng dẫn, chủ trương này đã triển khai rất tốt. Tuy nhiên, một số tỉnh còn lúng túng trong việc sử dụng các hình thức, phương thức bầu cử hiện nay. Bởi các địa phương cũng có những khó khăn, hạn chế như việc nếu tổ chức hội nghị cử tri đông thì không đúng theo tinh thần chống dịch, còn không tổ chức thì không có thông tin đầy đủ đến cử tri, người dân sẽ không biết đến người ứng cử để lựa chọn chính xác”, đồng chí Ngô Sách Thực chia sẻ.

Phản hồi

Các tin khác